Bà Hồ Thanh Nghi – Giám đốc Đài Thông tin duyên hải (TTDH) Kiên Giang (trực thuộc Công ty TNHH một thành viên Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam – VISHIPEL) – cho biết dự án lắp đặt hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thuỷ sản bằng vệ tinh (MOVIMAR) được chính phủ hai nước Việt Nam và Pháp ký kết hợp tác triển khai từ năm 2011 đến năm 2013.
Đây là giai đoạn thí điểm lắp đặt thiết bị MOVIMAR đồng bộ cho 3.000 phương tiện đánh bắt xa bờ của 28 tỉnh/thành ven biển. Tổng giá trị của dự án là 13,9 triệu USD từ nguồn vay ODA từ chính phủ Pháp để lắp đặt hoàn toàn miễn phí cho ngư dân đủ điều kiện.
Cán bộ kỹ thuật Đài TTDH Kiên Giang hướng dẫn ngư dân sử dụng thiết bị MOVIMAR mới lắp đặt.
Do có đội tàu đánh bắt lớn nhất nước với tổng số 12.500 chiếc, trong đó có 4.000 tàu công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ nên tỉnh Kiên Giang có 400 tàu cá được hỗ trợ lắp đặt MOVIMAR. Bà Nghi cho biết để được hỗ trợ lắp đặt MOVIMAR, tàu cá phải có công suất máy chính 90CV trở lên. Tàu hoạt động trên vùng biển Việt Nam phải được tổ chức thành tổ đội. Tàu được cấp giấy phép khai thác thuỷ sản thuộc các nghề: Câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê và một số nghề đặc thù khác. Trong đó ưu tiên lắp đặt cho tàu cá là đội trưởng đội cứu hộ, cứu nạn trên biển, tàu kiểm ngư thuộc quyền quản lý của các cơ quan quản lý nghề cá các cấp.
Theo bà Nghi, từ cuối năm 2012, Đài TTDH Kiên Giang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho khoảng 700 chủ tàu cá về MOVIMAR để ngư dân làm quen dần với hình thức liên lạc thông qua vệ tinh.
Ăng-ten vệ tinh LEO lắp bên ngoài tàu cá có in đậm dòng chữ: “Thuộc về nhà nước Việt Nam, không được di chuyển dưới bất kỳ hình thức nào”.
Mỗi bộ thiết bị MOVIMAR gồm một ăng-ten LEO đặt bên ngoài và một thiết bị MARLIN đặt trong buồng lái. Mỗi khi có thông báo mới, thiết bị MARLIN cho phép ngư dân xem được hình ảnh và thông tin truyền dẫn từ vệ tinh qua màn hình hiển thị. Ngược lại, ngư dân cũng có thể cung cấp thông tin về trung tâm tích hợp điều khiển thông tin chung (THEMIS) đặt tại Hà Nội và hai trung tâm giám sát phía Bắc ở Hải Phòng và phía Nam ở Vũng Tàu. Ba trung tâm thông tin này sẽ thường xuyên kết nối dữ liệu với hệ thống Đài TTDH bố trí dọc các tỉnh/thành ven biển với chế độ trực canh 24/24 giờ mỗi ngày.
“Trước mắt, hệ thống MOVIMAR chỉ dừng lại ở việc quan sát tàu cá, giúp ngư dân thông báo tình trạng nguy hiểm trên biển do thiên tai, máy móc trục trặc hay thậm chí bị “tàu lạ” tấn công chẳng hạn. Dần dần, sẽ bổ sung các chức năng hoàn thiện khác như: Định vị vùng hải sản, chụp ảnh viễn thám khí tượng, hải dương học, xác định vùng đánh bắt an toàn, cảnh báo bão sớm, dẫn đường vệ tinh giúp ngư dân trở về bờ hoặc đến nơi có phương tiện ứng cứu trên biển nhanh nhất…” – bà Nghi nói.
Theo báo cáo của Đài TTDH Kiên Giang, tính đến thời điểm này đã lắp đặt 85 bộ thiết bị MOVIMAR cho tàu cá của ngư dân. Đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy ngư dân sử dụng tương đối thành thạo các thao tác nhận – gửi (hoặc xoá bản tin trong trường hợp nhầm lẫn – P/v) thông tin liên lạc với các trung tâm giám sát.
Ông Đặng Văn Ngữ – Chủ tịch Hội nghề cá Rạch Giá – cho biết Hội có 425 hội viên với 1.700 tàu cá, trong đó có 65 tàu đánh bắt xa bờ được chọn lắp đặt MOVIMAR, và đến nay đã lắp xong cho 30 tàu.
“Nhìn chung anh em ngư phủ trên các tàu còn khá bỡ ngỡ, chắc là phải từ từ học thêm mới nhuần nhuyễn giống như liên lạc bộ đàm hoặc điện thoại di động hiện nay. Nhưng nói gì thì nói, được Chính phủ quan tâm hỗ trợ lắp đặt thiết bị hiện đại trên tàu xa bờ ngư dân chúng tôi rất vui, mặc dù từ khi lắp đến nay chưa bấm cái nút “tam giác màu vàng” (nút gửi tín hiệu cứu hộ – P/v) đó lần nào vì chưa gặp nạn, nhưng bản thân tôi cảm thấy rất yên tâm” – ông Ngữ bộc bạch.
Ông Trần Chí Viễn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang – cho biết để giảm chi phí đánh bắt trong điều kiện giá cả xăng dầu, nước đá, lương thực thực phẩm… tăng cao, trong khi giá bán hải sản không tăng bao nhiêu, nhiều chủ tàu cá đã chủ động tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư áp dụng nhiều công nghệ mới trên tàu của mình. Riêng ngành nông nghiệp đã triển khai một số chương trình thí điểm giúp nông dân vay vốn ưu đãi để trang bị máy dò cá sóng ngang FURUNO CH-250, thí điểm công nghệ làm lạnh sâu với hầm lạnh cải tiến giúp tăng thời gian trữ lạnh và giảm chi phí nước đá…
Ông Ngữ – chia sẻ tôi mới thí điểm đổi năm hầm đông lạnh công nghệ mới cho chiếc tàu lớn nhất của mình với tổng chi phí 1,5 tỉ đồng. Loại hầm mới làm bằng nhựa tổng hợp siêu bền, trữ được 15 tấn hải sản trên nền nhiệt độ từ 0 – 40C với máy nén khí làm lạnh sâu nên đảm bảo hải sản không suy giảm chất lượng, thời gian trữ lạnh tối đa từ 35 – 40 ngày phù hợp với tàu đánh bắt xa bờ. So với loại hầm truyền thống bằng gỗ đóng sẵn thì hầm mới giảm khoảng 70% lượng nước đá ướp lạnh, đặc biệt số hải sản sau khi vào bờ đạt chuẩn tiêu thụ gần như 100%.
“Đầu tư công nghệ mới rất tốn kém, ngư dân phải làm từ từ để đánh giá hiệu quả bởi vốn liếng chủ yếu vay ngân hàng, nhắm chắc ăn anh em mới dám làm. Tôi và một vài ông bạn mạnh dạn làm trước, từ từ sẽ vận động bà con hội viên làm theo. Bây giờ là thời buổi hội nhập cạnh tranh quyết liệt, mình không áp dụng và làm chủ công nghệ khai thác hiện đại thì sao dám vươn ra biển lớn” – ông Ngữ tự tin nói.