(TSVN) – Cùng với việc đảm bảo sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng đạt được theo kế hoạch như đã đề ra, tỉnh Kiên Giang đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm kiểm soát và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Theo số liệu của Cục Thống kê Kiên Giang, ước tính sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong tháng 7 của tỉnh đạt 78.388 tấn, tăng 0,23% so với tháng trước (tăng 179 tấn) và tăng 2,27% (tăng 1.742 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: CTK
Trong đó, sản lượng khai thác đạt 36.362 tấn, giảm 2,19% so với tháng trước và giảm 5,88% so với cùng thời điểm năm ngoái. Sản lượng nuôi trồng đạt 42.026 tấn, tăng 2,42% so với tháng trước và tăng 10,56% so với tháng cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do một số loài thủy sản như tôm, cua, cá, hến, vẹm… bước vào thời điểm thu hoạch.
Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng tại Kiên Giang đạt 441.679 tấn, đạt 55,21% kế hoạch năm và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 245.974 tấn, đạt 56,55% kế hoạch năm và giảm 1,46% so với cùng kỳ; sản lượng nuôi trồng đạt 195.705 tấn, đạt 53,62% kế hoạch năm và tăng 7,25% so với cùng kỳ.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng so với cùng kỳ trên 3 nhóm thủy sản là cá các loại, tôm các loại và thủy sản khác. Các sản phẩm thu hoạch chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú và một số loài nhuyễn thể khác như cua, ốc hương, hàu, nghêu… cùng một số loài cá lồng bè trên biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp…Đáng chú ý, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt mức kế hoạch năm khá cao và tăng so với cùng kỳ năm trước như bột cá đạt 56,45%, tăng 13,90%; cá hộp đạt 53,06%, tăng 9,62%; mực đông lạnh đạt 62,87%, tăng 7,75%.
Năm 2024 tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 800.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác 435.000 tấn (giảm 45.000 tấn so với kế hoạch năm trước), sản lượng nuôi trồng thủy sản các loại đạt 365.000 tấn. Riêng sản lượng đối với tôm nuôi đạt 130.000 tấn, tăng khoảng 9.000 tấn so với kết quả thu hoạch năm 2023.
Kiên Giang cũng là tỉnh có đội tàu khai thác lớn nhất cả nước, với 8.212 tàu đang đăng ký hoạt động, riêng đội tàu đánh bắt xa bờ là 3.634 chiếc. Thời gian qua, do cường lực khai thác vượt khả năng tái tạo, khiến cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Để bù đắp sản lượng khai thác sụt giảm, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác sang nuôi trồng, nhất là nuôi biển công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 3.837 lồng nuôi cá trên biển, nhiều ngư dân đã đầu tư chuyển từ lồng nuôi truyền thống bằng cây, gỗ sang lồng nuôi hiện đại bằng chất liệu HDPE.
Năm 2023, tổng diện tích nuôi thủy sản của Kiên Giang đạt 292.150 ha, trong đó nuôi tôm nước lợ chiếm 136.240 ha với sản lượng 121.000 tấn. Để tăng diện tích thả nuôi, ngành nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình tôm – lúa, tập trung ở các huyện vùng U Minh Thượng, Gò Quao, Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành.
Kiên Giang là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước chủ động mời Cục Thủy sản và đơn vị tư vấn về địa phương để triển khai tập huấn, hướng dẫn ngư dân áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Sau 4 tháng thực hiện, tỉnh đã tiến hành hướng dẫn, cài đặt 679 tài khoản eCDT cho tàu cá, với 820 lượt tàu xuất cảng, 232 lượt tàu khai báo nhập cảng. Bên cạnh đó, Ban quản lý cảng cá Kiên Giang đã cấp 24 giấy biên nhận bốc dỡ qua hệ thống eCDT, với sản lượng 104.501 kg; cấp 10 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) qua hệ thống eCDT với sản lượng 54.050 kg; cấp 1 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác CC cho 1 doanh nghiệp với 1.400 kg sản phẩm thủy sản.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang hướng dẫn ngư dân thao tác trên Hệ thống eCDT. Ảnh: ST
Ông Ngô Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Kiên Giang đánh giá, việc áp dụng phần mềm eCDT đã tạo điều kiện cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng, xác nhận sản lượng, chứng nhận sản lượng cho doanh nghiệp cũng dễ dàng. Đối với Ban quản lý cảng cá tỉnh, việc áp dụng phần mềm này giúp rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận và đáp ứng được nhu cầu cập cảng lên cá của các tàu cá.
Về phía doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, phần mềm sẽ giúp giảm thời gian để xác nhận chứng nhận, minh bạch, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu một cách dễ dàng. Khi có yêu cầu của đối tác nhập khẩu, các đoàn thanh tra, kiểm tra nguồn gốc thủy sản chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin dễ dàng mà không mất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, thực tế, hệ thống phần mềm eCDT vẫn khá mới mẻ đối với ngư dân Kiên Giang, các chủ tàu, nhất là các thuyền trưởng vẫn còn bỡ ngỡ khi bước đầu tiếp cận công nghệ. Một số tàu cá chưa quan tâm thực hiện, ngoài ra, hệ thống còn gặp nhiều lỗi kỹ thuật.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, việc triển khai áp dụng phần mềm eCDT đang trong quá trình vừa vận hành vừa chỉnh sửa nên sẽ gặp nhiều vướng mắc. Trước mắt, Sở tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm eCDT cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp tại các cảng cá chỉ định; mở rộng cho các bến cá địa phương áp dụng hệ thống phần mềm eCDT để truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang kiến nghị Cục Thủy sản rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện các chức năng đang gặp lỗi như chức năng thống kê sản lượng cập cảng theo mốc thời gian, theo loài; thực hiện ký số khi cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và giấy chứng nhận thủy sản khai thác,…
Được biết, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND về việc triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác qua hệ thống eCDT với lộ trình từ tháng 7 đến tháng 10/2024, các chủ tàu, thuyền trưởng cơ bản thực hiện thông suốt phần mềm này.
Thùy Khánh