(TSVN) – Thông tin từ Chi cục Thống kê Kiên Giang, tháng 5/2025 là thời điểm bắt đầu thu hoạch một số loài thủy sản, tuy nhiên, tình hình nuôi trồng thủy sản không khả quan do gặp một số khó khăn, bất lợi của thời tiết.
Những ngày qua, thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, độ mặn tăng làm cho môi trường ao nuôi tôm gặp nhiều bất lợi, tạo điều kiện cho một số loại bệnh như: bệnh do sốc môi trường, bệnh đốm trắng, bệnh EMS,… phát sinh, ảnh hưởng hiệu quả kinh tế của vụ nuôi.
Mặc dù vậy, nhờ vào sự chuẩn bị tốt của người nuôi tôm, kịp thời khai báo dịch bệnh với phòng chuyên môn ở các huyện, nên đã kịp thời khống chế, dập tắt dịch bệnh, làm giảm tình trạng lây lan dịch bệnh trên tôm nuôi. Các ngành chức năng ở các huyện khuyến cáo người dân tuân thủ triệt để quy trình kỹ thuật nuôi tôm và lịch thời vụ thả giống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xuất hiện gây hại.
Người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết. Ảnh: Lê Huy Hải
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/5/2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 145.493 ha, tăng 4,94% (6.853 ha) so cùng kỳ năm trước. Diện tích thả nuôi thủy sản tăng là do tăng diện tích thả nuôi các loài thủy sản cá, tôm sú, tôm càng xanh, cá, sò huyết, cua,… Trong đó: tôm 117.083 ha, tăng 5% so cùng kỳ (tôm sú 98.095 ha, tôm thẻ chân trắng 4.288 ha, tôm càng xanh 14.700 ha); cá 8.431 ha, tăng 3,57% (291 ha) so cùng kỳ năm trước, thủy sản khác 19.979 ha, tăng 5,17% (982 ha) so cùng kỳ năm trước.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 5/2025 ước đạt 35.014 tấn, tăn 29,38% so tháng trước và tăng 1,12% so cùng kỳ năm trước. Do mộ số loài thủy sản vào mùa thu hoạch nên sản lượng tăng như sò huyết, tôm, cua,… Đồng thời, người dân tăng cường cải tạo ao nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh nên sản lượng nuôi trồng tăng so cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản nuôi trồng 122.413 tấn, đạt 29,83% kế hoạch năm và tăng 5,36% so cùng kỳ.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn. Ngành thủy sản tỉnh cùng với các huyện, thành phố đẩy mạnh quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; cập nhật thông tin kết quả quan trắc môi trường nước và cảnh báo dịch bệnh trên thủy sản của cơ quan chuyên môn để kịp thời thông báo đến người nuôi thủy sản để chủ động ứng phó sản xuất an toàn, ngăn chặn, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.
Theo đó, ngành thủy sản tỉnh và các địa phương phân công cán bộ chuyên môn bám sát địa bàn, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật; phòng, chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn và biến động bất thường của thời tiết gây ra để ổn định sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người nuôi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ; thả giống với mật độ hợp lý, kết hợp biện pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, dừng thả giống khi điều kiện thời tiết không cho phép; hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm thương phẩm tổ chức ương tôm giống từ 15 – 20 ngày trước khi thả ra môi trường ao nuôi.
Ngoài ra, ngành chức năng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học và áp dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng tỉnh khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tác động bất lợi của thời tiết đến hoạt động sản xuất, kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong ao nuôi, duy trì mực nước ao nuôi thích hợp. Đồng thời, triển khai và nhân rộng các mô hình nuôi thủy đặc sản nước ngọt gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển mô hình kinh tế lâm – ngư dưới tán rừng gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị; phát triển các mô hình nuôi tôm sinh thái, tôm hữu cơ dưới tán rừng nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Nam Cường