Nằm ở vị trí địa đầu phía Tây Nam Tổ quốc, việc thực hiện tốt công tác chống khai thác IUU của Kiên Giang sẽ có ý nghĩa quyết định đối với cả nước trong việc ngăn chặn triệt để hiện tượng khai thác thủy sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Theo đó, thời gian qua, Kiên Giang đã và đang nỗ lực hết mình cho công tác này.
Kiên Giang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC)
Chủ động, quyết liệt
Với mục đích góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thời gian qua, Chi cục Thủy sản Kiên Giang phối hợp với Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ Chỉ huy Biên phòng Kiên Giang) và Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Kiên Giang đã và đang tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nội dung thanh tra bao gồm: Hoạt động của tàu cá trên vùng biển và khi ra vào các cảng cá; các hồ sơ chứng nhận đăng ký, hồ sơ đăng kiểm, giấy phép khai thác, an toàn kỹ thuật tàu cá, nhật ký khai thác, trang thiết bị hàng hải, thiết bị giám sát hành trình, văn bằng thuyền trưởng, máy trưởng, danh bạ thuyền viên, ngư cụ, bốc dỡ thủy sản qua cảng khi tàu cập bến, lên cá; kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn chủ phương tiện, thuyền trưởng ghi chép nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký chuyển tải sản phẩm thủy sản vào bờ, việc lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá…
Theo chia sẻ của ngư dân tại phường An Hòa, TP Rạch Giá, trước đây tàu ra biển không có ghi nhật ký, nhưng bây giờ bắt buộc thuyền trưởng phải ghi nhật ký, phải có đầy đủ thiết bị hàng hải, giấy tờ hợp lệ mới được đi; cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá 24/24h, nhất là sau khi Nghị định 42 của Chính Phủ có hiệu lực.
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng Phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, đơn vị đã tổ chức phối hợp Đồn Biên phòng Tây Yên tiến hành tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển tỉnh nhằm chấn chỉnh tình hình khai thác IUU. Khi phát hiện những trường hợp vi phạm, Đoàn thanh tra kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, buộc ký cam kết không vi phạm. Cùng đó, các tàu không được sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản; sử dụng phương tiện khai thác thủy sản khi chưa đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo an toàn kỹ thuật tàu cá theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác kiểm soát ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài theo các khuyến nghị của EC, các sở, ngành, đơn vị chức năng của Kiên Giang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển để tiến hành xử lý các tàu cá vi phạm và có dấu hiệu vi phạm. Từ tháng 10/2017 – 6/2019, Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát; tiến hành kiểm tra 871 phương tiện; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 118 phương tiện với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 200 triệu đồng. Các đồn, trạm kiểm soát biên phòng, Hải đội 2 tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ phương tiện nghề cá nhất là số phương tiện đăng ký hành nghề khai thác xa bờ. Lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản đã tổ chức 90 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác thủy sản trên biển, kiểm tra trên 760 phương tiện, tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 613 vụ với số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 11 tỷ đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang, trong 4 khuyến nghị của EC đối với Việt Nam về chống khai thác IUU, tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng kết quả chưa như mong muốn. Qua hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá vẫn còn nhiều chủ tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình hoặc có lắp đặt nhưng khi hoạt động trên biển thiết bị lại bị tắt hoặc không kết nối. Tàu cá của Kiên Giang vẫn còn vi phạm khai thác không đúng quy định, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác bất hợp pháp và bị các nước bắt giữ, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã chỉ đạo các ngành chức năng phải kiểm điểm trách nhiệm, có biện pháp xử lý nghiêm các cơ quan chức năng đã để xảy ra tình trạng nhiều tàu cá chưa đủ điều kiện vẫn ra khơi đánh bắt, vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, phải tìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục hữu hiệu, chấm dứt tàu cá ngư dân Kiên Giang vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong ngư dân Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và thực hiện nghiêm Nghị định này. Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, để duy trì nghề khai thác, Kiên Giang phải tìm cách giảm đội tàu lưới kéo (hiện chiếm 30% cả nước) – đối tượng vi phạm vùng biển nước ngoài nhiều nhất. Đây mới chính là vấn đề cần giải quyết.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang mới đây của Bộ NN&PTNT về quản lý khai thác thủy sản và tàu cá; chống khai thác IUU, sạt lở bờ biển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, trong công tác kiểm soát, ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tỉnh Kiên Giang cần kiểm tra chặt chẽ, đôn đốc ráo riết, tăng cường truyền thông đến ngư dân. Đề nghị các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang cần phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU; quy trách nhiệm cụ thể cho từng huyện, từng xã có trường hợp vi phạm. Mặt khác, ngăn chặn khai thác IUU không chỉ để gỡ “thẻ vàng” của EC, mà cái chính và lâu dài là giữ gìn nguồn tài nguyên biển cho các thế hệ sau.
>> Kiên Giang hiện có 9.845 tàu cá, trong đó 3.991 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ với 5 nhóm nghề trong đó có 2 nhóm nghề chính chiếm hầu hết số tàu cá là lưới kéo (cào chiếc, cào đôi) và lưới rê. Để giảm tình trạng tàu khai thác vi phạm quy định, ngành nông nghiệp tỉnh tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 2.174 tàu đánh bắt xa bờ (có chiều dài thân tàu từ 15 m trở lên); các tàu cá cố tình vi phạm đánh bắt IUU còn phạt cao nhất tới 1 tỷ đồng, rút giấy phép khai thác… |
An An