(TSVN) – Theo Cục Thống kê Kiên Giang, sản xuất thủy sản của địa phương trong tháng 1/2025 gặp nhiều thuận lợi. Đặc biệt là thị trường tôm nguyên liệu khởi sắc trở lại, người dân phấn khởi có thêm động lực để tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, năng suất và sản lượng tăng đã góp phần tăng trưởng kinh tế nông nghiệp và giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Kiên Giang.
Trong tháng 1/2025, tình hình nuôi trồng thủy sản của địa phương tương đối ổn định, người dân chủ động nuôi thả các loại thủy sản, tăng diện tích các loài thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao, việc quản lý môi trường, phòng trừ dịch bệnh trên tôm, cua được kiểm soát tốt. Trong tháng không ghi nhận dịch, bệnh trên diện tích nuôi trồng các loại thủy sản.
Tôm nước lợ là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: LHH
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tháng 1/2025 ước đạt 18.158 ha, đạt 5,59% kế hoạch, tăng 9,07% so cùng kỳ. Trong đó: Tôm nước lợ 8.332 ha, đạt 6,08% kế hoạch và tăng 23,88% so cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 1/2025 ước đạt 17.188 tấn, đạt 4,18% kế hoạch, giảm 37,06% so tháng trước (giảm do đang vào thời điểm cuối vụ thu hoạch một số đối tượng như tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt, hến,…) và tăng 4,01% so cùng kỳ năm trước.
Tôm nước lợ là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh Kiên Giang. Sau 1 năm giá tôm xuống thấp, những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, thị trường tôm nguyên liệu khởi sắc trở lại, người dân phấn khởi, có thêm động lực để tiếp tục thả nuôi vụ mới.
Năm 2025, Kiên Giang đề ra kế hoạch sản lượng tôm nuôi đạt 140.000 tấn. Để đảm bảo thực hiên thắng lợi vụ tôm nước lợ năm 2025, tỉnh Kiên Giang chủ động ban hành sớm khung lịch thời vụ thả tôm cho từng vùng. Theo đó, đối với hình thức nuôi tôm sú luân canh trồng lúa (tôm – lúa) thuộc các huyện vùng U Minh Thượng gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và huyện Gò Quao, thả giống tôm từ tháng 1 – 4/2025, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2025. Các huyện vùng Tứ giác Long Xuyên, gồm Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và TP Hà Tiên, thả giống tôm từ đầu tháng 2 – 4/2025, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2025.
Đối với hình thức nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa, thả giống từ tháng 4 – 8/2025, thu hoạch sau 5 – 6 tháng nuôi tùy điều kiện cụ thể từng vùng. Người nuôi cần bố trí ao ương, vèo tôm giống trong thời gian từ 1 – 2 tháng trước khi thả ra ruộng nuôi thương phẩm.
Đối với hình thức nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, thả nuôi kết hợp tôm, cua, cá và tôm – rừng, tùy điều kiện từng vùng, có thể thả giống quanh năm. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, người nuôi cần ngắt vụ tối thiểu 30 ngày để cải tạo ao, diệt mầm bệnh ít nhất 1 lần/năm.
Đối với hình thức nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, có thể thả giống nuôi quanh năm, khi điều kiện độ mặn trong nước phù hợp, kiểm soát được các yếu tố môi trường nước và thực hiện tốt việc cải tạo, xử lý mầm bệnh giữa các đợt nuôi.
Thời gian qua, Chi cục Thủy sản cũng đã tăng cường công tác phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, hiệu quả, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh; vận hành hệ thống thủy lợi đáp ứng nhu cầu phục vụ lấy nước nuôi tôm của người dân; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký mã số nhận diện cơ sở nuôi tôm nước lợ đáp ứng nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, khuyến cáo người nuôi lựa chọn con giống chất lượng, hướng dẫn quy trình nuôi nhiều giai đoạn và thả giống kích cỡ lớn để hạn chế rủi ro dịch bệnh và thiệt hại do yếu tố môi trường,… Khuyến khích các địa phương thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm để liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian, tiết kiệm chi phí sản xuất.
Lê Loan