Kiến nghị gỡ khó cho ngành tôm trong tình hình COVID-19

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước phản ánh khó khăn về tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và người nuôi tôm hiện nay, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT thông tin về một số khó khăn và kiến nghị giải pháp tháo gỡ cho ngành tôm dưới tác động nặng nề từ dịch COVID-19. Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam đưa ra 4 nhóm giải pháp trọng tâm.

Giải pháp cho khâu vận chuyển hàng hóa

Cần có giải pháp trong sản xuất, vận chuyển thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học từ các nhà máy, cơ sở sản xuất đến với các vùng nuôi, người nuôi; hỗ trợ tối đa để người nuôi tôm tiếp cận được với các nguyên liệu đầu vào phục vụ nuôi trồng một cách kịp thời, tránh làm gián đoạn và ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất.

Ưu tiên tiêm vaccine cho các tài xế vận tải, nhân viên giao hàng, các cá nhân thuộc nhóm người phải đi ra ngoài theo đặc thù ngành nghề như: thương lái, công nhân kéo tôm và công nhân của các cơ sở thu mua tôm…

Bãi bỏ quy định về giờ giới nghiêm đối với một số ngành nghề đặc thù làm việc về đêm như: thu mua, vận chuyển tôm thịt, công nhân kéo tôm, người giao/nhận con giống… 

Kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các chốt tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải luồng xanh có mã QR Code theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chỉ kiểm soát dịch bệnh trên người, còn xe và hàng hóa thực hiện công tác khử khuẩn theo hướng dẫn chung để đảm bảo an toàn.

Trong phạm vi cấp tỉnh cũng nên cấp “thẻ xanh” cho tài xế, xe giao hàng của các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng thiết yếu, đang được phép hoạt động. Thẻ này được UBND quận/huyện hoặc Sở Giao thông vận tải cấp để lưu thông hàng hóa nội tỉnh. Để làm tốt công tác này thì cần đưa quy định về điều kiện để được cấp “thẻ xanh”, ví dụ tài xế đã được tiêm ngừa, kết quả xét nghiệm còn hiệu lực, vận chuyển hàng hóa thiết yếu… 

Yêu cầu tất cả tài xế, nhân viên giao hàng khi lưu thông vào các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15, 16 phải tự trang bị thiết bảo hộ như: khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn, chai xịt cồn, máy bơm xịt khử khuẩn xe, quần áo bảo hộ. Đồng thời, có giải pháp kiểm soát nghiêm việc thực hiện theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế. 

Giải pháp trong khâu thu hoạch tôm

Thành lập và đào tạo “tổ thu mua đặc biệt” của Nhà nước tại địa phương… để tổ chức thu hoạch thu mua cho các trường hợp ao tôm không tiêu thụ được, hoặc trường hợp giá tôm rớt xuống đáy… Nhằm giúp vận chuyển trực tiếp lên nhà máy chế biến giảm khâu trung gian từ đó nâng được giá bán cho người nuôi (làm việc trước với nhà máy chế biến về các tổ chức này của nhà nước).

Ảnh minh họa

Phát triển thêm nhiều đại lý thu trên địa bàn để thu mua liên kết với nhà máy chế biến: Nhà máy chế biến nên cởi mở hơn các quy định để các đại lý thu mua mới thành lập có thể liên kết được và làm ăn lâu dài với nhà máy chế biến; càng nhiều đại lý thì giá cả thu mua sẽ cạnh tranh, người nuôi càng thuận lợi trong khâu thu hoạch, tiêu thụ và bán tôm được giá hơn.

Giải pháp cho người nuôi tôm

Không nên treo ao mà nên tiếp tục thả nuôi ở mật độ thưa và nuôi về size lớn để bán được giá cao. Tận dụng mọi cách để giảm chi phí đầu tư, tiết kiệm cho ăn, giảm sử dụng hóa chất, không sử dụng kháng sinh để bán được tôm sạch. Tận dụng thảo dược dân gian để phòng ngừa dịch bệnh, hỗ trợ tiêu hóa tôm. Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và HTX nuôi tạo hợp đồng lâu dài, tránh tình trạng “vỡ kèo” khi giá ngoài thị trường cao hơn giá mua ký hợp đồng với công ty. Đến lúc có dịch thì chạy tìm đến các công ty hoặc bị thương lái ép giá. Hỗ trợ tiền điện cho người nuôi tôm, cụ thể giảm 10 – 30% trong vòng một năm từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022.

Giải pháp đối với chế biến xuất khẩu

Ưu tiên khẩn trương tiêm vaccine đủ 2 mũi cho lực lượng cán bộ, công nhân làm việc trong các nhà máy chế biến, các công nhân của các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 điểm đến”, hướng dẫn áp dụng “5K” phòng, chống dịch, tạo điều kiện cho ổn định sản xuất.

Tuyển chọn công nhân không nhiễm bệnh để hoạt động, có thể tăng lương cho công nhân, thực hiện biện pháp “3 tại chỗ” để hoạt động lại 100%.

Bên cạnh đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng đưa ra các nhóm giải pháp cấp bách cần triển khai ngay để hỗ trợ người nuôi và doanh nghiệp. Đó là: Tăng cường thu mua tôm hiện đang đến thu hoạch hay gần thu hoạch trong tháng 9 – 10. Hỗ trợ chủ yếu là vận động nhà máy chế biến thu mua thêm các size khác nhau (nhất là size nhỏ đang rớt giá rất cao) thay vì chỉ thu mua size lớn; cam kết giá sàn ở mức nào thỏa đáng hơn, ví dụ size 100 con/kg không dưới 80.000 đồng/kg. Nếu các nhà máy chế biến chấp nhận hỗ trợ thì chính quyền tập trung và ưu tiên tiêm vaccine cho các đơn vị chế biến này (ít nhất 50% nhân sự lúc cao điểm) để nâng công suất sản xuất lên. Ngoài ra, nếu được thì giảm một phần giá điện đến hết năm 2021 để các doanh nghiệp có điều kiện tăng cường trữ hàng. Cùng đó, tổ chức bán hàng nội địa để giải phóng bớt tôm đang có trong ao, đẩy mạnh lưu thông tiêu thụ ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội…; bằng việc thực hiện theo phương án đóng hộp sẵn hoặc đưa vào các combo thực phẩm…

Hội nghề cá Việt Nam kính đề nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản xem xét để làm việc cùng các cơ quan chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho ngành tôm; tránh đứt gãy chuỗi cung ứng tôm, gây tổn hại về kinh tế và sinh kế của cộng động doanh nghiệp và người nuôi tôm.

Diệu An

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!