Kiến nghị khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 kéo dài

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 20/8/2021, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam đã có công văn số 139/HNC-VP gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kiến nghị một số khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài dựa trên các kiến nghị của hội viên, ngư dân, doanh nghiệp.

Theo nội dung Công văn, ngư dân đánh bắt trên biển, người nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu là đối tượng rất cần được hỗ trợ kịp thời trong thời điểm hiện nay. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách tiếp tục giảm, giãn lãi suất thực chất hơn là nên quy định rõ mức giảm tối thiểu để ngân hàng thực hiện. Bởi, theo phản ánh của các doanh nghiệp, từ chủ trương thực thi chính sách chia sẻ khó khăn đến khi có thông báo giảm lãi suất từ ngân hàng là chậm, mức giảm không đáng kể, doanh nghiệp, HTX, trang trại vay vốn để sản xuất vẫn rất khó khăn do thủ tục hành chính, thế chấp còn phiền hà. Theo đó, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành ngân hàng cần chủ động và tiếp tục cải tiến, đơn giản thủ tục hành chính làm sao vẫn đảm bảo an toàn về vốn, cho vay được nhanh chóng, thuận tiện, giảm thời gian và chi phí. Ngoài ra, cần kiểm tra giám sát chặt chẽ không để đơn vị, cá nhân lợi dụng chính sách ưu tiên cho phòng, chống dịch để trục lợi, tiêu cực, gây thất thoát nguồn lực cho phát triển, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Đề nghị nghiên cứu và sớm có chính sách tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp đến hết tháng 6/2022. Giảm chi phí điện, nước sản xuất cho các nhà máy trong khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến và NTTS đến hết năm 2021.

Mặt khác, hiện nay trong vấn đề lưu thông giao nhận hàng hóa vật tư rất chậm, ách tách, mỗi địa phương lại có cách quy định riêng dẫn đến chậm lưu thông, thiếu hụt vật tư, kéo dài thời gian vận chuyển (thức ăn, chế phẩm sinh học… không đến được vùng nuôi, việc tiêu thụ thủy sản cũng bất cập), từ đó, đẩy chi phí vận chuyển, giao nhận, thu mua lên cao. Do đó, cần có giải pháp thống nhất trong toàn quốc về phương thức vận chuyển, lưu thông hàng hóa vật tư cho NTTS như: thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học, con giống… trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19; không chỉ quy định từ tỉnh này qua tỉnh khác mà trong cả nội tỉnh, từ huyện này qua huyện khác hay từ cơ sở nhà máy, đại lý vật tư đến người nuôi. Cùng đó, đẩy nhanh khâu giải phóng hàng từ cảng về kho, giảm, rút gọn thời gian, chi phí kiểm tra từ cơ quan quản lý.

Ngoài ra, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường thông tin, định hướng sản xuất, đưa ra các khuyến nghị trên toàn hệ thống truyền thông từ trung ương đến các địa phương. Định kỳ theo tháng, quý cần tổ chức diễn đàn cho các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, trao đổi về tình hình thị trường, giá thủy sản… nhằm giúp người dân có phương án sản xuất phù hợp. Đồng thời, thúc đẩy thương mại và lưu thông tốt thị trường hàng hóa trong nước, hỗ trợ người sản xuất, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị có nhu cầu thu mua tiêu thụ sản phẩm.

Ưu tiên và đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động, công nhân làm trong khu công nghiệp; các cán bộ, nhân viên, người lao động của các cảng cá, xí nghiệp chế biến, ngư dân khai thác, người nuôi.

Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nhất là những tỉnh/thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 triển khai mở rộng chính sách bán hàng bình ổn giá cho các đối tượng công nhân, người lao động.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!