Kiến nghị vấn đề trục lợi bảo hiểm tôm nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Dịch bệnh trên tôm gây hậu quả rất lớn về kinh tế khiến nhiều nông dân kiệt quệ. Bảo hiểm cho tôm nuôi ra đời đã mang đến hy vọng cho người nuôi tôm. Tuy nhiên, đã có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”. Trước thực trạng này, người trong cuộc lên tiếng.

Trong hơn một thập kỷ trở lại đây, nghề nuôi tôm của nước ta phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, giúp không ít bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, nuôi tôm đang giảm sút một cách trầm trọng. Thời điểm hiện nay, nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn về mọi mặt. Giá vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc thú y thủy sản mỗi lúc mỗi tăng, con giống chất lượng và kém chất lượng lẫn lộn, gây khó khăn cho người nuôi. Ở khâu đầu ra, do sản phẩm nhiễm Ethoxyquin và các kháng sinh cấm vượt mức cho phép tại các thị trường nhập khẩu, khiến nhiều lô hàng bị trả về. Hậu quả dẫn tới giá xuất khẩu giảm và kéo theo đó là thiệt hại lợi nhuận của người nuôi.

Thêm nữa, thời tiết khí hậu không ổn định, môi trường ô nhiễm, dịch bệnh hoành hành, nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục tuyệt đối. Trong khi đó, sau nhiều vụ thất bại, người dân cạn vốn, các nguồn tín dụng ngày càng hẹp nên người nuôi càng thêm khốn khó.

Trước hoàn cảnh đó, chương trình bảo hiểm nông nghiệp của Nhà nước ra đời đã đáp ứng đúng nguyện vọng và mong muốn của người nuôi. Và người nuôi tôm cũng rất hài lòng với chủ trương chính sách của Nhà nước, hy vọng có được vốn tái đầu tư cho vụ nuôi tiếp theo.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện có một số đại lý bảo hiểm, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, con giống và người nuôi câu kết với nhau trục lợi tiền bảo hiểm rất phức tạp. Như nhiều cơ quan truyền thông đã phản ánh tại các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, xuất hiện nhiều thủ đoạn trục lợi điển hình như: khai gian số lượng con giống, thời gian nuôi, như tôm nuôi được 15 – 20 ngày bị dịch bệnh chết nhưng không khai báo, chờ cho đủ 55 – 60 ngày mới thông báo cho cơ quan chức năng, bởi đây là mức bảo hiểm cao nhất. Và còn nhiều mánh khóe, thủ đoạn tinh vi khác nữa mà dư luận đã rất xôn xao…

Bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương chính sách rất cần thiết cho người nuôi tôm, đặc biệt khi bị dịch bệnh, thiên tai gây thiệt hại. Những hành vi trục lợi không chỉ khiến vấn đề bảo hiểm cho lĩnh vực này gặp khó khăn, mà còn là hành vi phá hoại chủ trương chính sách của Nhà nước.

Để giải quyết vấn đề này, tôi xin kiến nghị với các cấp lãnh đạo các tỉnh đang thực hiện thí điểm bảo hiểm con tôm, đề xuất Bảo hiểm Bảo Việt phải công khai minh bạch danh sách bồi thường, số lượng hộ nuôi tham gia và số hộ được chi trả bảo hiểm, mỗi hộ bao nhiêu tiền của từng địa phương… Như thế, để người dân tham gia trực tiếp giám sát, tránh trục lợi và để chính sách bảo hiểm con tôm được bền vững lâu dài.

>> Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chương trình thí điểm BHNN được triển khai tại 20 tỉnh, sẽ được thực hiện đến hết năm 2013. Tuy nhiên, việc triển khai BHNN đang có nguy cơ phải dừng lại do nạn trục lợi bảo hiểm. Việc này đã khiến các doanh nghiệp tham gia lỗ nặng. Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), những tháng đầu năm nay, số tiền đền bù cho người nuôi trồng thủy sản là 282,9 tỷ đồng. Riêng Tổng công ty CP Tái bảo hiểm quốc gia và Tập đoàn Bảo hiểm Thụy Sĩ, hai đơn vị được Chính phủ chỉ định nhiệm vụ tái BHNN đã lỗ 462 tỷ đồng. Số lượng và tỉ lệ bồi thường bảo hiểm thủy sản năm 2012 khá lớn khiến doanh nghiệp bảo hiểm khó tái bảo hiểm năm 2013. Đến nay, nhiều đơn vị vẫn chưa bán bảo hiểm cho người nuôi tôm, dù đã gần hết vụ một.

Võ Hồng Ngoãn - Nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!