Kinh nghiệm nuôi tôm hạn, mặn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những năm qua, tình trạng hạn, mặn diễn ra ngày càng khốc liệt, độ mặn trong môi trường nuôi tôm tăng rất cao. Do đó, người nuôi cần chú ý để có những biện pháp điều tiết thích hợp, đảm bảo quá trình phát triển ổn định của tôm.

Đối với nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

Trường hợp ao đang cải tạo, chuẩn bị thả nuôi, tận dụng nắng nóng kéo dài, tiến hành cải tạo ao nuôi, phơi đầm diệt bớt mầm bệnh dưới nền đáy ao và lựa chọn thời điểm thích hợp khi độ mặn giảm xuống dưới 30‰ để thả giống. Bên cạnh đó, các khu nuôi cần đảm bảo an toàn sinh học, khuyến khích áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, phù hợp đối với vùng, địa phương, như: nuôi tôm trong nhà kính, nhà lưới, nuôi nhiều giai đoạn, nuôi tôm khép kín, ít thay nước…

Người nuôi cần gia cố bờ, cống để tránh hiện tượng rò rỉ, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm.

Chọn tôm giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt. Thực hiện ương gièo trước khi thả giống nuôi thương phẩm. Chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30oC (sáng sớm hoặc chiều mát). Thả nuôi với mật độ hợp lý (TTCT dưới 80 con/m2, tôm sú 10 – 15 con/m2). Duy trì độ mặn 10 – 25‰; hàm lượng ôxy hòa tan >3 mg/l; pH 7,8 – 8,5; độ kiềm từ 80 – 150 mg/l…

Xử lý đáy ao tôm sau hạn mặn ở huyện Bình Đại, Bến Tre. Ảnh: Hoàng Mai

Cung cấp lượng thức ăn hợp lý theo kích cỡ và mật độ, giảm 15 – 30% lượng thức ăn trong những ngày nắng nóng. Định kỳ 15 ngày/lần bổ sung Vitamin C, các khoáng vi lượng, men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho tôm, thời gian mỗi đợt từ 5 – 7 ngày, để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ. Định kỳ 10 – 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi, lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi cũng nên làm sàng cho tôm ăn để cân, chỉnh thức ăn, hạn chế thấp nhất bổ sung thừa thức ăn, gây tác động xấu đến môi trường nước.

Thường xuyên điều chỉnh và duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Duy trì mực nước tối thiểu 1,3 – 1,5 m, nếu cần cấp bổ sung nước, phải lấy nước từ ao lắng, xử lý trước khi cấp nước vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường ôxy và giảm thiểu thiếu ôxy cục bộ.

Đối với những hộ đang thả nuôi, khi đến kỳ thu hoạch nên liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Riêng đối với cơ sở đang nuôi theo hình thức mật độ cao, tôm kích cỡ còn nhỏ chưa đến thời điểm thu hoạch cần san thưa để quản lý và chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất.

Nuôi tôm quảng canh cải tiến

Khuyến cáo áp dụng phương pháp cải tạo khô sử dụng máy cày xới mặt trảng, sên vét bùn đáy mương bao. Sử dụng vôi để khử phèn và khử trùng bờ bao, đáy mương, mặt ruộng với lượng 50 – 100 kg/1.000 m2, đối với loại hình canh tác tôm – lúa, lượng vôi sử dụng 10 – 20 kg/1.000 m2 hoặc tham khảo hướng dẫn của cơ quan khuyến nông – khuyến ngư về cách sử dụng và liều lượng vôi phù hợp với sự sinh trưởng phát triển của cây lúa.

Người nuôi nên tập trung gia cố bờ bao, cống để tăng khả năng giữ nước. Chủ động bơm trữ nước vào mương và ao nuôi khi mực nước cao ở các tuyến kênh. Tôm giống cần được ương đạt kích thước 1,5 – 2 cm, thả giống với mật độ phù hợp. Khuyến cáo mật độ thả giống như sau: Tôm sú từ 1 – 3 con/m2; cua từ 0,5 – 1 con/m2; cá từ 5 – 10 m2/con (thả cua và cá sau khi thả tôm từ 15 – 20 ngày), đồng thời cho ăn bổ sung để rút ngắn thời gian tôm đạt kích cỡ thương phẩm.

Đối với những vùng thích hợp cho trồng lúa vào mùa mưa trên đất nuôi tôm, người nuôi nên canh tác một vụ tôm vào mùa nắng, một vụ lúa vào mùa mưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ góp phần tăng thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ, tạo thức ăn tự nhiên phong phú cho tôm.

Canh tác tôm – lúa

Ruộng nuôi không nên rộng trên 1 ha. Diện tích mương từ 25 – 40% so với ruộng lúa. Mương bao rộng 2,5 – 3,5 m, sâu 0,8 – 1,2 m. Bờ mương rộng 3 – 4 m, phải được dầm nén thật cẩn thận, tránh rò rỉ. Mỗi ruộng nên có ao chứa, ao lắng, để cung cấp nước cho ruộng nuôi vào những lúc cần thiết. Giống thả cần được ương đạt kích cỡ từ 1,5 – 2 cm, với mật độ từ 2 – 3 con/m2/vụ.

Lưu ý chung

Người nuôi cần bám sát dự báo xâm nhập mặn, tuân thủ lịch mùa vụ thả giống và mật độ nuôi được khuyến cáo. Không tự ý thả nuôi ở những thời điểm và vị trí không đảm bảo điều kiện môi trường

Không nên sử dụng nước giếng khoan để cấp nước cho ao tôm. Độ kiềm trong nước giếng khoan luôn ở mức 300 mg/l trở lên. Trong khi, độ kiềm thích hợp cho tôm phát triển chỉ ở ngưỡng 80 – 160 mg/l. Khi độ mặn tăng cao, độ kiềm cũng tăng theo tỷ lệ thuận, bơm thêm nước giếng khoan vào, độ kiềm trong ao sẽ tăng lên nhiều lần. Khi đó, vỏ con tôm sẽ bị cứng, tôm rất khó lột vỏ, chậm lớn.

Bên cạnh đó, người nuôi không sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh trong danh mục cấm sử dụng và chưa được phép lưu hành ở Việt Nam. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định của cơ quan nhà nước, đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trước khi thả nuôi phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký với chính quyền địa phương, các hộ nuôi tôm phải đăng ký kê khai sản xuất ban đầu, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về giá cả thị trường, dịch bệnh và có kế hoạch sản xuất phù hợp cho từng hộ nuôi.

>> Để chủ động ứng phó, người nuôi cần thực hiện tốt khung lịch thời vụ; đồng thời, thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và một số ứng dụng từ cơ quan chuyên môn để cập nhật tình hình thời tiết, độ mặn… và có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!