(TSVN) – Để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất và xuất khẩu cũng như đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nhập khẩu, thì việc áp dụng mô hình sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải là vấn đề quan trọng cần hướng tới. Đây cũng là con đường nhằm tạo uy tín và thương hiệu cho loài thủy sản chủ lực này của ĐBSCL.
Ngày 5/10, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy sản phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững và Hiệp hội Cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản – Kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam”, bàn nhiều nội dung thời sự để phát triển sản phẩm chiến lược này.
Nuôi cá tra để đạt 200 tấn/ha cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường là 256 tấn. Ảnh: Cảnh Kỳ
Cá tra nuôi chủ yếu tại một số tỉnh, thành vùng ÐBSCL, với tổng diện tích đạt khoảng 6.000 ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn. Chuỗi ngành hàng cá tra đã tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành hàng cá tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường, mối liên kết, tiêu thụ.
Ðặc biệt, chúng ta cần tổ chức lại sản xuất, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào và đầu ra để giảm phát thải khí nhà kính, nhằm bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Nghiên cứu của chuyên gia Nguyễn Văn So và Lê Anh Tuấn vào năm 2020 cho biết, phát thải CO2 trong nuôi cá tra tại tỉnh Hậu Giang trung bình 60,95 tấn/ha/năm. Một con số rất đáng lưu ý, trong khi cả thế giới đang đề cao kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí CO2 để chống biến đổi khí hậu. Với ngành cá tra, khi giảm phát thải CO2, Việt Nam sẽ thêm lợi thế cạnh tranh trên thị trường và ngược lại.
Về chuỗi giá trị cá tra, các nghiên cứu trong 5 năm qua của Võ Thị Thanh Lộc, Lê Xuân Sinh, Lê Văn Gia Nhỏ cho hay, xuất khẩu trên 90% nhưng phân phối lợi nhuận chưa hợp lý. Trong khi các nhà nhập khẩu có lợi nhuận tốt hơn xuất khẩu. Từ khía cạnh chuỗi giá trị thì tính toán lượng phát thải trong toàn chuỗi là vấn đề cần được đặt ra.
Nghiên cứu của TS Huỳnh Văn Hiền ở Trường Thủy sản (ĐH Cần Thơ) mới đây cho biết thêm, cá tra đang ở tình trạng sản xuất thiếu ổn định. Những năm khó khăn, như năm 2020 chỉ 25% số cơ sở nuôi thu được lợi nhuận.
Thực tế kinh tế tuần hoàn trong toàn chuỗi cá tra chưa được hình thành hoàn chỉnh: chỉ có mô hình khép kín của công ty (ở góc độ nguyên liệu sản xuất). Kinh tế tuần hoàn mới ở bước đầu với quy trình khép kín nên chi phí còn khá cao. Trong thời điểm này, vấn đề sản xuất có trách nhiệm và hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, đang là mục tiêu bao trùm của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, ngành cá tra muốn phát triển phải hướng tới nền kinh tế xanh toàn cầu và sản phẩm thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất tới tiêu thụ cuối cùng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Trong đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 cũng xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới “xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản”.
TS Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam phân tích thực trạng môi trường nuôi cá tra khi hàng năm có diện tích 6.000 ha, sản lượng hơn 1,5 triệu tấn. Đó là, vùng nuôi không tập trung trong điều kiện có nội đồng, sông lớn; có trang trại của doanh nghiệp, hộ nuôi lẻ; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi không đồng bộ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.
Theo nghiên cứu, để đạt được sản lượng trung bình 200 tấn cá/ha với hệ số chuyển đổi thức ăn FCR là 1,6 thì cần sử dụng lượng thức ăn tối thiểu là 320 tấn và lượng chất hữu cơ thải ra môi trường là 256 tấn. Do đó, nuôi cá tra với sản lượng hàng năm hơn 1,5 triệu tấn là một thách thức lớn đối với các vùng nuôi, trong bảo vệ môi trường. Xử lý chất thải từ ao nuôi hiện nay chủ yếu là thay nước, chế phẩm sinh học, hút bùn…, áp dụng công nghệ hiện đại chỉ ở một số vùng nuôi.
Về chế biến cá tra, cả nước có trên 100 cơ sở với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở có máy móc thiết bị và công nghệ chế biến hiện đại, tuy nhiên chế biến phụ phẩm ra sản phẩm cao cấp lại chưa nhiều. Đáng kể nhất là chưa tận thu được máu cá, nên làm tăng ô nhiễm cho nước thải chế biến. Trong lúc, đa phần các hệ thống xử lý nước thải áp dụng ông nghệ truyền thống nên chưa đạt hiệu quả tối ưu.
Trước thực trạng và thách thức về môi trường ngành cá tra, nghiên cứu của TS Phạm Thị Thu Hồng đặt ra một số giải pháp cần thực hiện để đảm bảo phát triển.
Các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết dựa trên những cơ sở về điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng. Các khu vực nuôi cần quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng. Tiến tới hình thành những vùng sản xuất giống cá tra tập trung, áp dụng những thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, không xả thải. Ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất và quản lý. Áp dụng tiêu chuẩn trong nuôi (như GlobalGAP, ASC, BAP, VietGAP…) và trong chế biến (ISO, HACCP, BRC, IFS, HALAL…).
TS Phạm Thị Thu Hồng nhấn mạnh đến việc thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội đối với ngành hàng cá tra. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) được coi như là cam kết của doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh, minh bạch trong sản xuất và nâng cao thương hiệu. Thực hành trách nhiệm xã hội đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động và gia đình họ, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Triển khai CSR không chỉ mang lại lợi ích cho ngành cá tra mà còn vì mục tiêu lớn hơn là phát triển bền vững và hiểu rộng ra là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
“Nghề nuôi cá tra thâm canh, chế biến và xuất khẩu ở ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, nếu phát triển như hiện nay chỉ chú trọng phát triển về diện tích và năng suất nuôi để thu lợi nhuận mà bỏ quên vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ là cản trở lớn nhất cho việc phát triển nghề nuôi và xuất khẩu trong thời gian tới”, TS Hồng nhấn mạnh.
>> Theo Cục Thủy sản, nhóm đối tác công tư về thủy sản được thành lập từ năm 2020. Đến năm 2022, Cục Thủy sản đã ban hành Quyết định phê duyệt thành lập 6 tiểu nhóm trong đó có ngành cá tra. Đối tác công tư thủy sản dựa trên cơ sở tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công (nhà nước) gồm các cơ quan, tổ chức quản lý, đơn vị sự nghiệp của nhà nước liên quan.
Sáu Nghệ