(TSVN) – Thực hiện nuôi baba theo tiêu chuẩn VietGAP không những giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn tạo ra môi trường nuôi bền vững, đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phải được thiết kế, xây dựng, vận hành, duy trì để phòng ngừa sự lây nhiễm/giảm thiểu rủi ro do lây nhiễm các mối nguy (nước thải, nhà vệ sinh, động vật nuôi, dầu máy/nhiên liệu, bếp ăn tập thể, khu chứa chất thải, các phương tiện đường thủy) gây mất ATTP, an toàn bệnh dịch đến sản phẩm thủy sản và không làm nhiễm mặn nguồn nước ngọt tự nhiên.
Có khu làm việc, khu sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người lao động đối với trường hợp người lao động ở lại cơ sở nuôi.
Người quản lý cơ sở nuôi phải có kiến thức về NTTS, được tập huấn về VietGAP thủy sản hoặc có Giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn về ATTP trong NTTS của cơ quan có thẩm quyền.
Người lao động làm việc tại cơ sở nuôi phải được tập huấn (nội bộ hoặc bên ngoài) về VietGAP thủy sản và áp dụng đúng các hướng dẫn về thực hành NTTS tốt trong sản xuất; được tập huấn về an toàn lao động theo đúng các vị trí làm việc.
Địa điểm nuôi phải nằm ở những khu vực có nguy cơ ô nhiễm thấp nhất đối với thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học và có thể kiểm soát các nguồn ô nhiễm. Nằm ngoài phạm vi các khu vực bảo tồn quốc gia hoặc quốc tế, công ước RAMSAR theo quy định hiện hành.
Ao nuôi thương phẩm có diện tích vừa phải từ 100 – 200 m2, rộng nhất không quá 1.000 m2, độ sâu 1,5 – 2 m. Đáy ao là đất pha cát hoặc cát càng tốt, lớp cát đáy lên dày từ 10 – 15 cm. Có chỗ cho ba ba nghỉ ngơi, đẻ trứng (nếu ao dùng để nuôi ba ba sinh sản).
Nguồn nước cho ao nuôi phải sạch, không bị ô nhiễm, có thể cấp thoát chủ động. Nước cấp vào cho chảy ngầm, tránh xối mạnh ảnh hưởng xấu cho ba ba.
Trước mỗi vụ nuôi cần phải tẩy dọn, sát trùng diệt khuẩn đáy ao. Bờ ao xây và làm nhẵn, trên bờ có thể dùng hàng rào lưới để tránh ba ba bò ra ngoài.
Chất lượng nước cấp: Nước sử dụng nuôi phải phù hợp và đáp ứng quy định hiện hành, cơ sở nuôi có thể dựa trên kết quả công bố về quan trắc môi trường của cơ quan có thẩm quyền.
Thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường: Cơ sở phải lập danh mục thức ăn, thuốc, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong kho và thực hiện kiểm kê hàng tháng và chỉ sử dụng các sản phẩm được phép lưu hành và không có trong danh mục cấm lưu hành tại Việt Nam. Bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vệ sinh: Phải thực hiện thu gom, phân loại, xử lý các chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, đồng thời lập, cập nhật, lưu trữ hồ sơ về xử lý chất thải phát sinh trong quá trình nuôi.
Lựa chọn giống nuôi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chọn những con cùng lứa để chúng cùng nhau phát triển, điều này đặc biệt rất quan trọng khi người nuôi có ý định nuôi lai tạo giống. Ba ba giống phải có ngoại hình đều, mập, da bóng, đặc biệt là không bị xây xát, dị tật hoặc có dấu hiệu bị bệnh. Ba ba giống tốt hoạt động nhanh nhẹn.
Kích cỡ giống thả có thể là 100 – 150 g/con hoặc to hơn tùy từng điều kiện. Mật độ thả tùy vào điều kiện chăm sóc: thả mật độ thưa (0,5 – 1 con/m2); thả mật độ trung bình (4 – 5 con/m2), mật độ dày (7 – 10 con/m2).
Thức ăn cho ba ba có thể là cá tạp, ốc giun, nhái… hoặc thức ăn viên. Khẩu phần ăn (3 – 6% trọng lượng thân).
Cho ba ba ăn 2 lần/ngày tại những vị trí cố định trong ao. Thức ăn cần được rửa sạch trước khi cho ăn, làm vệ sinh thường xuyên khu vực cho ăn.
Định kỳ bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thuốc giúp ba ba khỏe mạnh và phòng ngừa bệnh tật. Khi thời tiết quá nóng, hay nhiệt độ thấp ba ba giảm ăn hoặc không ăn. Cần điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Cơ sở nuôi phải thực hiện ghi chép, duy trì và luôn sẵn có hồ sơ/bằng chứng chứng minh về việc đã tuân thủ các quy định VietGAP trong quá trình sản xuất, bao gói, ghi nhãn; phải đảm bảo khả năng truy xuất khi có yêu cầu.
Cơ sở phải có kế hoạch quản lý sức khỏe thủy sản nuôi với sự tham vấn của cán bộ chuyên môn như quy trình nuôi, các bệnh thường gặp, biện pháp thu gom và xử lý khi có dịch bệnh…
Theo dõi sức khỏe thủy sản và ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh: Cơ sở nuôi phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi các dấu hiệu dịch bệnh và thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự phát sinh mầm bệnh, lập và lưu trữ hồ sơ liên quan đến sức khỏe thủy sản nuôi. Sử dụng các biện pháp cách ly, ngăn chặn lây nhiễm khi có bệnh, thông báo cho cơ quan quản lý thủy sản hoặc thú y gần nhất, xử lý thủy sản nuôi bị chết đúng cách.
Sử dụng kháng sinh: Tuân thủ theo đơn hoặc phác đồ điều trị của cán bộ chuyên môn, không sử dụng để phòng bệnh cho ba ba. Lưu trữ hồ sơ sử dụng để trị bệnh.
Chọn ba ba giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng;
Trước khi thả giống phải tắm bằng dung dịch đồng sulfat (CuSO4) với liều lượng 6 – 8 g/m3. Thời gian tắm từ 20 – 30 phút để phòng bệnh nấm và một số loài ký sinh đơn bào;
Cuối vụ khử trùng ao (bể) nuôi bằng cách bón vôi bột hoặc vôi cục cho ao, liều lượng sử dụng 10 – 15 kg/100 m2;
Không để thức ăn dư thừa, trước khi cho ăn phải loại bỏ thức ăn lần trước và vệ sinh sàng cho ăn;
Định kỳ 15 – 20 ngày/lần hòa vôi bột lượng 1,5 – 2 kg với 15 – 20 lít nước và té đều khắp mặt ao cho diện tích 100 m3 ao (bể) nuôi;
Những ngày nhiệt độ nước 18 – 250C, dùng dung dịch CuSO4 với nồng độ 6 – 8 g/m3 hoặc thuốc tím nồng độ 15 – 20 g/m3. Mỗi ngày tắm 1 lần/30 phút để phòng bệnh nấm thủy mi;
Khi ba ba bị bệnh phải bắt và nhốt riêng để điều trị, đồng thời nhanh chóng vệ sinh môi trường ao nuôi;
Không nuôi ở mật độ quá dày.
Ở các tỉnh phía Bắc, thả giống vào tầm tháng 3 – 4, các tỉnh phía Nam thường thả vào đầu năm và thu hoạch vào cuối năm. Sau 9 – 10 tháng nuôi, nếu ba ba đạt cỡ từ 800 g/con trở lên thì có thể thu hoạch. Có thể thu hoạch đồng loạt hoặc thu tỉa tùy theo nhu cầu của thị trường.
Bích Hòa