(TSVN) – Cá đối mục dễ chăm sóc, ít bị bệnh, không phải sử dụng nhiều loại thuốc, tỷ lệ rủi ro thấp. Do đó, nuôi cá đối mục là một trong những hướng đi mới trong NTTS. Có thể nuôi ghép cá đối mục với một số đối tượng khác như tôm sú và cua biển.
Chọn vị trí xây dựng ao nuôi ở vùng trung triều, mực nước triều khoảng 2 – 3 m để thuận tiện cho việc cải tạo ao, thoát nước và lấy nước trong quá trình nuôi. Các yếu tố môi trường phải đảm bảo các chỉ tiêu sau: Độ mặn 0 – 30 ‰, nhiệt độ 26 – 320C, hàm lượng ôxy 3 – 5 mg/l, pH 7,5 – 8,5, NH3 < 1 mg / l, H2S < 0,3 mg/l, Chất đáy ao là bùn cát và bùn sét.
Nguồn nước nuôi phải sạch, không ô nhiễm, xa khu dân cư, xa nguồn nước thải công nghiệp, đảm bảo các yếu tố môi trường ổn định; gần đường giao thông, gần nguồn cá giống (cá tự nhiên và nhân tạo), gần nguồn điện.
Gia cố hệ thống bờ ao không để rò rỉ, kiểm tra hệ thống cống đảm bảo việc cấp và tiêu nước.
Trước khi thả nuôi phải tháo cạn nước ao, phơi ao, nạo vét bùn đen chỉ để lại lớp bùn dày 15 – 20 cm. Diệt cá tạp bằng saponin với lượng 10 kg/1.600 m2. Bón vôi đáy ao và xung quanh bờ với lượng 7 – 10 kg/1.000 m2. Tiến hành phơi ao 5 – 7 ngày. Sau khi phơi ao thì bón lót các loại phân hữu cơ đã ủ hoai khoảng 25 kg/100 m2 để tạo mùn bã hữu cơ và thức ăn tự nhiên cho cá. Sau đó cho nước vào 30 – 40 cm thông qua lưới lọc mịn, bón phân NPK với lượng 0,2 – 0,3 kg/100 m2. Sau 2 – 3 ngày màu nước lên tốt cấp thêm nước vào ao đạt độ sâu 1m. Khi nước có màu xanh nâu thì tiến hành thả giống.
Kích cỡ giống thả nuôi: 6 – 10 cm. Chọn cá đồng đều kích cỡ, không bị bệnh hoặc xây xát, bơi lội hoạt bát, có màu sáng.
Có thể thả nguồn giống sản xuất nhân tạo hoặc từ thu gom ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn cá giống sản xuất nhân tạo đồng đều, tỷ lệ sống cao và phát triển tốt hơn. Mùa vụ thả tập trung nhiều nhất vào tháng 2 – 3 hoặc tháng 7 – 8 hàng năm.
Cá đối giống được vận chuyển kín trong túi nilon có bơm ôxy. Phương tiện vận chuyển thường được sử dụng là xe máy, ôtô, hoặc máy bay. Cá giống trước khi vận chuyển được ép luyện, bỏ đói 1 ngày. Vận chuyển cá vào lúc trời mát. Nếu nắng nóng nên chọn thời điểm vận chuyển vào ban đêm và bỏ thêm đá lạnh vào túi vận chuyển (0,5 – 1 kg đá lạnh/túi). Trong quá trình vận chuyển thường xuyên kiểm tra cá để có biện pháp xử lý kịp thời nếu có sự cố xảy ra, ví dụ như bơm bổ sung thêm ôxy hoặc thay bao mới khi bao bị xẹp… Thời gian vận chuyển đến khi thả dưới 12 giờ là tốt nhất.
Sau khi vận chuyển về nên ngâm bao cá trong ao nuôi từ 10 – 15 phút cho cân bằng nhiệt độ ở trong túi và ao nuôi tránh cá bị sốc sau khi thả.
Tùy vào hình thức nuôi, điều kiện đầu tư và kỹ thuật quản lý tốt có thể thả cá đối giống với mật độ 1 – 3 con/m2.
Trong ao nuôi cá đối có thể thả ghép tôm giống với mật độ 0,5 – 1 con/100 m2 hoặc cua biển với mật độ 20 – 30 con/1.000 m2.
Thả tôm trong ao nuôi cá đối mục giúp tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: ST
Ở hình thức nuôi này, thức ăn cho cá đối mục là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm từ 30 – 40%, kích cỡ viên tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cá. Cho cá ăn hàng ngày với tỷ lệ 3 – 5% tổng khối lượng đàn cá. Cho ăn 2 lần/ngày, vào lúc 7h và 17h.
Khi cho cá ăn cần tạo phản xạ bằng tiếng động để cá tập trung thành đàn, đúng thời điểm và vị trí cho ăn.
Định kỳ phối trộn thêm Vitamin C và khoáng vào thức ăn với hàm lượng 5 g/kg thức ăn/ngày trong 5 – 7 ngày nhằm giúp cho cá tăng cường sức đề kháng.
Trong quá trình nuôi, hàng ngày phải kiểm tra các yếu tố môi trường và quan sát hoạt động của cá và màu nước để kịp thời xử lý (thay nước hoặc sử dụng vi sinh để làm sạch môi trường, giảm thức ăn…).
Định kỳ 30 ngày kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Theo dõi tình trạng sức khỏe, các bệnh lý để có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ 15 ngày thay nước 1 lần để duy trì màu nước, thức ăn tự nhiên cho cá đối mục.
Nếu nuôi với mật độ > 2 con/m2 nên sử dụng quạt nước nhằm tạo ôxy phòng trường hợp cá nổi đầu do thiếu ôxy (thời gian bật quạt từ 3 – 6 giờ sáng). Hàng ngày quan sát ao, rò rỉ nước phải xử lý phòng tránh thất thoát cá.
Theo dõi thường xuyên để phát hiện kịp thời cá nuôi bị bệnh và loại bỏ ngay những cá thể đã nhiễm bệnh nặng. Khi phát hiện thấy cá bị bệnh phải tiến hành cách ly, sau đó xác định rõ loại bệnh để có biện pháp chữa trị phù hợp.
Chỉ được phép sử dụng các loại thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hóa chất để phòng hoặc trị bệnh cho cá nuôi không có trong danh mục hóa chất, kháng sinh cấm và hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản của Bộ NN&PTNT.
Nếu cá nuôi bị nhiễm bệnh nặng và có nguy cơ lan rộng phải kịp thời có biện pháp điều trị hợp lý và ngăn chặn lây lan.
Sau khoảng 10 tháng cá đối mục đạt kích cỡ 600 – 800 g/con tiến hành thu hoạch. Người nuôi có thể thu một lúc bằng cách tháo cạn nước và dùng lưới kéo bắt cùng một lần để bán hoặc thu tỉa hàng ngày bằng cách bủa lưới.
Nguyễn Hằng