(TSVN) – Nuôi cá tầm đang mang lại lợi nhuận lớn cho người dân bởi giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để đạt được năng suất tốt và hạn chế dịch bệnh người nuôi cần nắm vững các biện pháp kỹ thuật.
Chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, xa cửa đập, có nguồn nước sạch không bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp, nước thải sinh hoạt. Lựa chọn nơi có dòng chảy nhẹ, có độ sâu cách đáy lồng lúc mực nước thấp nhất là >10 m.
Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.
Sau thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng có thể tiến hành thu hoạch cá tầm. Ảnh: ST
Vùng nuôi lồng, bè nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Những vùng thuận lợi cho việc neo giữ lồng bè.
Vị trí đặt lồng cách bờ ít nhất 15 – 20 m.
Ở hồ chứa mỗi cụm bố trí từ 10 – 15 lồng, các cụm lồng cách nhau từ 200 – 300 m, đặt so le nhau. Tại hồ chứa tổng diện tích lồng, bè không quá 0,2% diện tích khu vực đặt lồng. Cụ thể là 1 ha mặt thoáng hồ chứa chỉ được nuôi 1 cụm lồng 20 m2. Nuôi nhiều hơn sẽ bị ô nhiễm không tốt.
Lồng bè nuôi cá tầm trên hồ chứa hiện nay có 2 loại lồng chính là lồng hình tròn và lồng hình vuông. Người nuôi căn cứ vào điều kiện thực tế để lựa chọn loại lồng phù hợp. Loại lồng hình tròn có thể chịu được sóng gió, di chuyển dễ dàng, thể tích lớn. Tuy nhiên, loại lồng này có nhược điểm là chi phí đầu tư tốn kém, khó kiểm tra cá do thể tích lớn, chỉ phù hợp nuôi ở các hồ chứa lớn. Lồng hình vuông có chi phí đầu tư thấp, di chuyển và kiểm tra dễ dàng, nhưng khả năng chịu sóng gió kém hơn.
Chất lượng cá giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Do đó, người nuôi cần lựa chọn cá đồng đều, ngoại hình cân đối, vây vẩy nguyên vẹn, thân cá có màu đặc trưng của loài, bụng có màu trắng hoặc vàng còn ở sườn và lưng có màu xám hoặc nâu sẫm;
– Trạng thái hoạt động: linh hoạt và tập trung nhiều ở đáy bể;
– Tình trạng sức khỏe: cá khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý.
Nên chọn cá giống có kích cỡ 50 – 100 g/con, chiều dài thân khoảng 15 – 20 cm.
Mật độ thả giống: 15 – 25 con/m3.
Thời điểm thả giống thích hợp là tháng 3 hàng năm (đối với các tỉnh miền Bắc) khi nhiệt độ nước ổn định trong khoảng 18 – 260C.
Thời điểm thích hợp thả cá vào sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa. Trước khi thả cần ngâm bao cá giống xuống nước trong lồng khoảng 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ bên trong bao và bên ngoài môi trường nước. Sau đó mở miệng bao, cho nước từ từ vào bao để cá trong bao tự bơi ra ngoài.
Hiện, thức ăn cho cá tầm nuôi chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Bởi sử dụng thức ăn công nghiệp giúp đảm bảo chất lượng và không gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, cá tầm cũng có thể ăn các loại thức ăn tự nhiên trong hồ như: sinh vật phù du trong nước, tôm tép, cá nhỏ… Thông thường, trong thời gian 2 tháng đầu lượng thức ăn hàng ngày chiếm 5 – 7% khối lượng cá trong lồng, các tháng tiếp theo cho ăn bằng 3 – 5% khối lượng cá có trong lồng nuôi. Ngoài ra, hàng ngày khi cho cá ăn cần chú ý quan sát và điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Thông thường cho cá ăn 4 lần/ngày, vào các khung giờ: 8 – 9 giờ sáng; 13 – 14 giờ chiều; 18 – 19 giờ tối; 22 – 23 giờ đêm (nên cho ăn nhiều hơn vào buổi chiều và đêm). Sau khoảng 30 – 40 phút, người nuôi kéo sàng ăn lên để kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của cá, đồng thời, quan sát các hoạt động của cá để có căn cứ điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.
Vào những hôm trời mưa, nước trong hồ sẽ bị đục nên dừng không cho cá ăn, nếu mưa kéo dài cần giảm thức ăn 30 – 50% so bình thường.
Định kỳ 20 – 30 ngày kiểm tra mẫu cá 1 lần để xác định cỡ trung bình và tổng khối lượng cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho giai đoạn tiếp theo.
Cá tầm là loài sống đáy nhưng yêu cầu môi trường trong sạch và nhiều ôxy. Vì vậy ở bất kỳ hình thức nuôi nào thì người nuôi cần luôn luôn theo dõi, kiểm tra môi trường nước đều đặn hàng ngày để đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt.
Hàng ngày quan sát, loại bỏ rác thải tại khu vực nuôi, ảnh hưởng tới lồng nuôi và gây dịch bệnh cho cá.
Định kỳ từ 20 – 30 ngày tiến hành vệ sinh lồng nuôi bằng cách kéo lồng lên dùng máy bơm cao áp xả nước trực tiếp để giặt lồng lưới, hoặc cũng có thể thay lưới để đảm bảo lồng nuôi luôn sạch sẽ. Trong quá trình vệ sinh cần kiểm tra lồng, phát hiện kịp thời các vết rách, rạn nứt để kịp thời khắc phục các vết rách nhằm hạn chế cá đi mất.
Loại bỏ rác trôi nổi và các vật cứng vào khu lồng nuôi.
Vào mùa mưa lũ phải kiểm tra cá, dây neo lồng, di chuyển lồng vào vị trí an toàn khi có bão, lũ.
Sau thời gian nuôi từ 10 – 12 tháng là cá tầm có thể đạt kích cỡ thương phẩm, tiến hành thu tỉa cẩn thận sao cho cá còn nguyên vẹn không bị xây xát.
Lê Loan