T2, 06/07/2020 11:00

Kỹ thuật nuôi cua xanh trong ao đầm

Chưa có đánh giá về bài viết

Cua xanh hay còn gọi là cua biển, cua bùn (Scylla paramamosain), sinh sống ở các bãi triều ven biển. Đây là loài có kích thước lớn, giá bán cao và được xem là đối tượng nuôi tốt thay thế cho những ao nuôi tôm bị dịch bệnh.


Chuẩn bị ao nuôi

Có thể nuôi cua thương phẩm ở các loại hình khác nhau như trong các ao đầm riêng biệt hay nuôi kết hợp với tôm, rong câu.

Ao đầm nuôi nên có các đặc điểm: gần sông, nguồn nước dồi dào và dễ cấp thoát nước; nền đáy ao, đầm nên là loại đất thịt pha sét hay cát (bùn dày không quá 20 cm); đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước 7,5 – 8,5; độ mặn 10 – 25‰ và nhiệt độ nước 28 – 330C.

Ao nên có diện tích 300 – 1.000 m2, bờ chắc chắn và cao hơn mức triều cường ít nhất 0,5 m. Xung quanh bờ được rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước… cao từ 40 cm trở lên và đặt hơi nghiêng vào ao sao cho cua không thoát ra được. Ao có cống cấp và thoát riêng biệt, trước cống nên có 2 lớp đăng hay lưới chắn cẩn thận, lớp ngoài nên có hình chữ V để tránh cua ngược nước hoặc theo nước thoát ra ngoài. Nuôi cua trong đầm diện tích có thể 2 – 10 ha hay lớn hơn. Do diện tích lớn, việc rào chắn sẽ tốn kém nên cần đào nhiều mương sâu trong đầm (rộng khoảng 1 m, sâu 0,5 m) cho cua cư trú nhằm hạn chế cua vượt bờ thoát ra ngoài.

Trước khi thả giống 1 – 2 tuần, cần tiến hành chuẩn bị ao như tháo cạn nước, gia cố bờ cống, bón vôi liều lượng 10 – 15 kg/100 m2 và có thể trồng rong câu vào đầm; sau đó lấy nước sạch, đảm bảo độ sâu 1 – 1,2 m, đóng cống và chắn đăng chắc chắn.

 

Sơ đồ quy trình sản xuất giống và nuôi cua biển

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Cua thương phẩm có thể thả quanh năm, nhưng mùa vụ thích hợp nhất vào tháng 3 – 6, vì thời gian này, nguồn giống phong phú, điều kiện thời tiết và môi trường nước tương đối thuận lợi. Những tháng mùa mưa cũng có thể nuôi được nhưng do biến động lớn về nhiệt độ, độ mặn, độ phèn… có thể là nguyên nhân gây bệnh cho cua.

Giống cua gồm hai nguồn chủ yếu là giống nhân tạo và tự nhiên. Tuy nhiên, theo thống kê hiện nay, nguồn cua giống nhân tạo chỉ đáp ứng được 15 – 20% nhu cầu của thị trường, còn lại vẫn dựa chủ yếu vào nguồn giống tự nhiên. Cua giống khi mua về phải khỏe mạnh, không sứt sát và đầy đủ chân, càng. Tùy vào kích cỡ cua, mật độ thả và loại ao, đầm mà vụ nuôi dài ngắn khác nhau theo bảng.

Chăm sóc

Thức ăn cho cua rất đa dạng, đối với cua kích cỡ nhỏ, có thể sử dụng thức ăn của tôm (trên 35% độ đạm để cho cua ăn) và thịt nhuyễn thể với liều lượng thức ăn hàng ngày chiếm 7 – 10% trọng lượng thân.

Nuôi cua trong ao, nên cho ăn làm hai cữ sáng và chiều tối, rải đều thức ăn ven bờ, xung quanh ao. Còn khi nuôi cua trong đầm, diện tích rộng, nên cho cua ăn một cữ vào chiều tối để tránh hao hụt thức ăn do các loài khác cạnh tranh. Khi cua lớn có thể sử dụng thức ăn bao gồm: cá tạp, tôm, còng, nhuyễn thể… cho ăn sống hoặc nấu chín, trộn với 10% bột mỳ để tăng tính kết dính. Tỷ lệ cho ăn không quá 5 – 7% trọng lượng cua và được chia làm hai lần trong ngày (sáng và chiều mát) và thích hợp nhất là cho cua ăn lúc nước cường. Đối với cua lớn (cỡ 10 – 12 con/kg) có thể cho ăn thêm don, dắt bằng cách rải xung quanh bờ ao và những nơi thường cho ăn, cua sẽ tự tìm và dùng càng cắp vỡ vỏ don, dắt để ăn thịt phía bên trong mà ít làm ô nhiễm nước ao đầm nuôi.

Trong tháng đầu nuôi, không cần thay nước, khi lượng chất thải nhiều thì thay nước 2 ngày/lần; Lưu ý, nếu trời mưa, nước đục, độ mặn thấp thì không nên thay nước. Dùng vôi bón định kỳ xuống ao đầm (2 – 4 kg/m2) để khử trùng nước, hạn chế dịch bệnh cho cua nuôi.

Nuôi cua xanh xen ghép trong ao đầm cho hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: Phan Thanh Cường

Phòng trị bệnh

Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh nên cần nuôi cua đúng thời vụ, ổn định độ mặn của nước suốt thời gian nuôi, cho ăn thức ăn đủ số lượng và chất lượng tránh thừa hoặc thiếu. Nên cho ăn thức ăn công nghiệp hoặc nấu chín để hạn chế ô nhiễm nước.

Trong quá trình nuôi, cua thường mắc các bệnh như rụng chân (rủ còng), hoại tử, đen mang, teo cơ và thủng vỏ. Các bệnh này do virus, vi khuẩn, sinh vật bám và kí sinh trùng gây ra. Nguyên nhân, nền đáy nhiều mùn bã hữu cơ, nước ao đầm nuôi nhiều chất lơ lửng nên các loài virus vi khuẩn và kí sinh trùng phát triển mạnh, tấn công và gây bệnh cho cua, nhất là vào thời điểm sau khi lột xác.

Khi cua bị các loại bệnh này thì việc chữa trị ít hiệu quả, nếu khỏi bệnh cũng sẽ còi cọc chậm lớn. Do vậy, cần thay nước định kỳ (2 ngày/lần) từ tháng thứ 2 trở đi, không nên thay nước nếu trời mưa, nước thay đục và độ mặn thấp. Cùng đó, dùng vôi bón định kỳ xuống ao đầm (2 – 4 kg/100 m2) để khử trùng nước, hạn chế dịch bệnh cho cua nuôi. Mặt khác, khi cua bị bệnh cần căn cứ vào từng loại bệnh cụ thể do cán bộ kỹ thuật xác định mà sử dụng thuốc đặc hiệu (kháng sinh, hóa chất) để chữa trị; đồng thời, dùng các sản phẩm như Vicato, BKC, Chlorine  (5 – 7 ppm) để khử trùng nước nuôi.

 

Thu hoạch

Khi cua đạt trọng lượng 200 – 350 g/con có thể thu hoạch. Thu cua bằng cách dùng nhá vó, lờ nhử mồi để thu tỉa, chọn những con chắc thịt bán trước, những con nhỏ, vỏ mềm (mới lột) bán sau hay tháo cạn nước còn 30 cm và bắt bằng tay nếu thu toàn bộ.

>> Trong giai đoạn cua đạt cỡ 250 – 350 g, khi cua đực lột xác nếu không ẩn náu kỹ thì rất dễ trở thành món ăn giàu đạm cho cua cái. Vì vậy việc trồng rong câu trong ao, đầm nuôi sẽ giúp cua trú ẩn khi lột xác, nâng cao tỷ lệ sống cua trong quá trình nuôi.

ThS. Nguyễn Quang Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!