Kỹ thuật nuôi tôm sú quảng canh cải tiến hai giai đoạn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến hai giai đoạn giúp giảm rủi ro, hạn chế thiệt hại và nâng cao năng suất.

Điều kiện bể/ao ương nuôi

Có thể ương ở ao đất lót bạt hoặc bể ương bạt nổi.

Ao ương: Dùng để ương tôm giống, giúp tôm thích nghi dần với môi trường ao nuôi, dễ chăm sóc, quản lý trong giai đoạn nhỏ, kiểm soát được lượng giống trước khi chuyển ra vuông nuôi. Tùy theo điều kiện sản xuất, mật độ, thời gian ương tôm giống, thiết kế xây dựng ao ương, hệ thống cung cấp ôxy cho phù hợp. Ao ương tôm được thiết kế ở một góc ao nuôi tôm thương phẩm, hay trên nền cao, có hình chữ nhật, diện tích 50 – 100 m2/ao (cho ruộng nuôi tôm quảng canh cải tiến có diện tích 0,5 – 1 ha), mực nước sâu 0,7 – 0,8 m, lót bạt HDPE.

Ương trên bể: Bể ương tôm đặt trên nền cao, bể nổi; bể khung thép lót bạt HDPE hoặc bể xi măng, composite, có hình chữ nhật hoặc tròn, diện tích 50 – 100 m2/bể, mức nước sâu 0,7 – 0,8 m. Bể ương tôm nên đặt gần hay trên bờ ruộng nuôi để thuận tiện thu hoạch và thả giống.

Ao/bể ương được trang bị hệ thống sục khí đáy, hệ thống đảo nước để đảm bảo lượng ôxy, duy trì hạt floc giúp tôm phát triển. Cần có máy phát điện dự phòng để vận hành các thiết bị khi mất điện. Ao/bể ương nên có lưới lan để che, giảm ánh sáng và nhiệt độ nước ương.

Ao nuôi: Vị trí ao nuôi tôm sú là nơi có nguồn nước tốt và đầy đủ, có điện lưới quốc gia và giao thông thuận lợi. Nguồn nước không bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, nông nghiệp. Các yếu tố môi trường nước cần đảm bảo: pH 7,5 – 8,5; Độ kiềm: 80 – 120 mg/lít. 

Bể ương tôm giai đoạn 1. Ảnh: Thanh Hải

Giai đoạn 1

Tôm sú PL15 được mua ở các trại sản xuất giống có uy tín, kích cỡ từ 1,2 – 1,5 cm, đồng cỡ, thon dài, đồng màu, linh hoạt, đuôi xòe, râu khép khi bơi. Tôm giống có chất lượng tốt và cần được kiểm tra, chứng nhận không bị nhiễm các loại bệnh thường gặp như virus đốm trắng, đầu vàng, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh còi.

Mật độ thả khoảng 600 con/m2.

Tạo Biofloc: Để tạo và duy trì Biofloc cho ao, bể ương tôm, có thể sử dụng nhiều nguồn cacbon khác nhau như mật rỉ đường, bột gạo, bột mì, cám… để ủ và bổ sung vào ao/bể ương. Tuy nhiên, mật rỉ đường là phổ biến, rẻ, thuận tiện và dễ sử dụng hơn. Lượng mật rỉ đường cần bổ sung vào ao, bể ương hàng ngày dựa theo lượng thức ăn công nghiệp cho tôm ăn. Cách tính lượng mật rỉ đường như sau: Cứ 100 g thức ăn (45% đạm) cho tôm ăn mỗi ngày thì cần dùng khoảng 70 g mật rỉ đường.

Cân lượng mật rỉ đường cần thiết cho vào thùng, hòa vào nước trong ao, bể ương, bổ sung vi sinh, sục khí và ủ 48 giờ, sau đó bổ sung trực tiếp hỗn hợp vào bể ương mỗi ngày.

Các bước chuẩn bị, ủ và bổ sung mật rỉ đường hàng ngày: Mỗi ngày cân đủ lượng mật rỉ đường theo yêu cầu, khoảng 2/3 lượng thức ăn cho tôm ăn trong ngày. Cho mật rỉ đường vào thùng, hòa với 20 lít nước ấm (nhiệt độ 600C) để nguội, bổ sung 50 g vi sinh. Sục khí mạnh liên tục cho hỗn hợp trên. Ủ hỗn hợp khoảng 48 giờ. Hòa thêm nước để tạt đều vào ao, bể ương lúc 9 – 10h sáng

Nếu có điều kiện, nên dùng phễu Imhoff để đo thể tích Biofloc hàng tuần. Cho 1 lít nước ương tôm vào phễu, để lắng khoảng 1 giờ, thể tích Biofloc lắng khoảng 2 – 5 ml/L là tốt. Nếu thể tích Biofloc vượt 5 ml/L nước ương thì có thể thay nước bớt hoặc xi phông Biofloc ra ngoài bể ương.

Sử dụng thức ăn có hàm lượng protein từ 40 – 42%, loại viên mảnh với cỡ hạt từ 0,5 – 1 mm và cho ăn 4 lần/ngày (6h, 11h, 16h và 20h). Lượng thức ăn dao động 15 – 20% trọng lượng thân cùng. Ngoài ra, người nuôi cũng cần quan sát hàng ngày để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, sau đó mỗi ngày tăng thêm 10% lượng thức ăn của ngày trước đó.

Theo dõi sức khỏe tôm ương hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ương tôm từ 20 – 30 ngày tùy theo yêu cầu, tôm giống to, đạt cỡ 3 – 5 cm, trọng lượng từ 3.000 – 4.000 con/kg, đều cỡ, khỏe mạnh, thì tiến hành thu hoạch và chuyển sang ao nuôi thương phẩm.

Giai đoạn 2

Tiến hành cải tạo ao nuôi như thông thường. Thả tôm với mật độ 4 – 5 con/m2 cho đợt 1. Sau 2 tháng nuôi, khi bắt đầu thu tỉa, có thể thả bổ sung 1 – 2 con/m2/tháng. Thả tôm vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Thu hoạch tôm giai đoạn 2: Ảnh: Thanh Nhàn

Trong quá trình nuôi phải định kỳ kiểm tra các yếu tố môi trường để xử lý kịp thời. Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng chế phẩm sinh học để làm sạch nền đáy và ổn định môi trường.

Ở hình thức này, tôm sử dụng chủ yếu là thức ăn tự nhiên (nguyên sinh động vật, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, ít tơ, giáp xác nhỏ…). Do đó, trong quá trình nuôi, người nuôi phải quản lý, bổ sung phân bón để duy trì mật độ thức ăn tự nhiên cho tôm. Bên cạnh đó, hàng ngày cần bổ sung thức ăn công nghiệp (có 40% protein) với tỷ lệ 1 – 2% khối lượng tôm trong ao.

Trong quá trình nuôi luôn duy trì màu nước và độ trong phù hợp (độ trong 30 – 40 cm, nước có màu xanh nhạt hoặc nâu nhạt) bằng cách sau một tháng thả nuôi thì tiến hành bổ sung phân bón (vô cơ, hữu cơ, vi sinh hữu cơ) hay cám, rơm rạ, lá, cỏ khô… Định kỳ lặp lại sau 30 ngày/lần để duy trì chuỗi thức ăn tự nhiên cho ao nuôi.

Khi nuôi được 3 tháng, tôm đạt kích cỡ > 30 g/con thì tiến hành thu tỉa 15 ngày/lần (theo con nước thủy triều). Hình thức thu tỉa bằng cách sử dụng lú có mắt lưới to. Sau 5 tháng nuôi tôm đạt cỡ > 40 g/con có thể bơm cạn nước rồi đặt lú hoặc dùng lưới kéo.

>> Quy trình này có thể áp dụng cho các hộ nuôi, tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi tôm sú - lúa luân canh; nuôi chuyên tôm quảng canh cải tiến hoặc cho các cơ sở chuyên ương tôm sú giống thành tôm kích cỡ lớn, chất lượng cao để cung cấp cho người dân.

Nguyễn Hằng

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!