Kỹ thuật nuôi tôm trên ao bán nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mô hình nuôi tôm trong ao nổi hay còn gọi là ao tròn hiện nay đang là xu hướng mới cho bà con vì nắm bắt được nhiều lợi ích cũng như tiết kiệm được chi phí, bền vững qua nhiều mùa vụ.

Chuẩn bị ao

Ao nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông, diện tích 1.400 m2, bờ ao xây cao 30 – 40 cm so với mặt bằng ao, đáy ao cao hơn so với ao khác 20 – 30 cm. Ao được bê tông hóa hoặc lót bạt. Độ sâu nước ao nuôi từ 1,2 – 1,5 m, có cống cấp thoát nước riêng biệt, có ao xử lý riêng, có hệ thống quạt nước, sục khí và xiphong đáy.

Trước mỗi vụ nuôi cần cải tạo ao nuôi theo đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Tháo cạn nước trong ao, sên vét bùn đáy ao để loại bỏ dịch hại. Bón vôi CaO để tiêu diệt mầm bệnh từ vụ nuôi trước. Vệ sinh khử trùng xung quanh bờ và đáy ao, tu sửa bờ ao.

Lấy nước vào ao chứa chạy quạt 2 – 3 ngày, sử dụng Chlorine diệt khuẩn, sau đó chạy quạt 3 – 5 ngày để giải phóng dư lượng Chlorine. Tiếp theo, cấp nước từ ao lắng vào ao nuôi qua túi lọc và tiến hành gây màu nước, sau 2 – 3 ngày kiểm tra các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp có thể thả giống.

Mô hình nuôi tôm ao bán nổi tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: ST

 

Chọn và thả giống

Tôm giống cỡ PL12 được mua từ các cơ sở sản xuất uy tín, có đàn tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo quy định. Tôm giống đã được kiểm tra một số loại bệnh đặc trưng như MBV, đốm trắng, đầu vàng, taura, hoại tử gan tụy… (có giấy kiểm dịch) trên tôm giống.

Kiểm tra tôm giống bằng cảm quan: Tôm có màu sáng, sắc tố thể hiện rõ, đôi râu khép lại, các đốt bụng thon, dài, cơ bụng căng đầy, thịt đầy vỏ, đầu và thân cân đối; tôm bơi khỏe ngược dòng nước, bám vào thành bể tốt; phản xạ tốt khi gõ vào dụng cụ chứa; phụ bộ tôm hoàn chỉnh, không có ký sinh trùng bám, đường ruột đầy thức ăn, không bị bệnh phát sáng.

Kiểm tra sức khỏe tôm giống bằng cách gây sốc bằng Formol trước khi thả. Cụ thể, thả 100 – 200 con tôm giống vào chén hoặc cốc thủy tinh đựng dung dịch Formol nồng độ 100 ppm và theo dõi trong 30 phút, nếu tỷ lệ sống trên 95% là đạt yêu cầu.

Mật độ thả 120 con/m2. Nên thả giống vào những ngày nắng nhẹ, thời gian thả vào khoảng 6 – 8 giờ sáng hoặc 5 – 6 giờ chiều. Không nên thả tôm lúc trời sắp mưa hoặc đang mưa to, khi có hiện tượng gió mùa. Khi tôm giống về tới ao, cho toàn bộ bọc tôm giống ngâm trong vòng 15 – 30 phút để cân bằng nhiệt độ. Sau đó, tiến hành thả tôm giống ra ao nuôi, bổ sung Vitamin C liều 5 pmm ngay tại khu vực thả tôm để giúp tôm nhanh hồi phục và chống sốc.

Cho ăn

Sử dụng thức ăn công nghiệp chuyên dùng cho TTCT với hàm lượng đạm trên 30%. Định kỳ sử dụng men tiêu hóa, vitamin, bổ gan… trộn vào thức ăn cho tôm ăn. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của tôm mà lựa chọn thức ăn có kích cỡ viên phù hợp.

Nên cho tôm ăn theo những giờ cố định, tránh thời gian môi trường nước không thuận lợi (từ 12 giờ đêm – 4 giờ sáng là thời gian lượng ôxy hòa tan thấp nhất và từ 11 giờ đến 2 giờ chiều là thời gian nhiệt độ nước trên bề mặt ao cao nhất). Khi chuyển cỡ thức ăn, không chuyển đột ngột mà chuyển chậm từ 5 – 7 ngày, tỷ lệ thức ăn cỡ nhỏ – cỡ lớn lần lượt là 7 – 3, 5 – 5, 3 – 7 rồi mới toàn cỡ lớn. Khi cho ăn thì cho cỡ nhỏ trước, cỡ lớn sau, rải đều khắp ao.

Theo dõi cường độ bắt mồi của tôm hàng ngày và sau mỗi lần cho ăn để điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, theo dõi chu kỳ lột xác của tôm để điều chỉnh giảm trong giai đoạn lột xác và tăng sau khi tôm lột xong.

Chăm sóc và quản lý

Thường xuyên chạy quạt nước tạo ôxy cho tôm nuôi, tăng cường bổ sung sục khí vào những thời điểm thiếu ôxy như đêm và sáng. Cần vệ sinh và xiphong đáy thường xuyên.

Thường xuyên kiểm tra, quan sát hoạt động của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Sau thời gian nuôi 45 ngày tiến hành chài kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, cân trọng lượng, tỷ lệ sống.

Hàng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường như hàm lượng ôxy hòa tan, pH, độ kiềm, độ mặn. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước.

Lượng nước, chất thải xiphong hàng ngày được đưa vào khu chứa chất thải rắn, nước được chảy xuống và trữ ở ao lắng.

Thái Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!