Năm 2013, ngành thủy sản Việt Nam ghi nhận nhiều thành tựu; trong đó nổi bật là kết quả vượt trội của ngành tôm cả về diện tích, sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đây cũng là cơ sở để chúng ta có thêm kỳ vọng trong năm 2014.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Tôm Việt Nam còn nhiều cơ hội
Năm 2013, nuôi tôm nước lợ nước ta có những điểm nổi bật: Xác định được các nguyên nhân, tác nhân gây Hội chứng hoại tử gan tụy làm cơ sở đề ra các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả, góp phần hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm; Tăng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT), tranh thủ cơ hội thị trường đã nuôi TTCT trái vụ ở một số diện tích (khoảng 5.000 ha) có điều kiện kiểm soát điều kiện và kỹ thuật nuôi; Diện tích nuôi tôm tăng không nhiều (khoảng 1,5% so năm 2012) nhưng tranh thủ được cơ hội thị trường đưa giá trị xuất khẩu tôm đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng khoảng 30% giá trị xuất khẩu so năm 2012. Năm 2014, tôm Việt Nam vẫn có cơ hội xuất khẩu với giá tốt trong nửa đầu năm. Bởi, mùa vụ tôm của Ấn Độ muộn hơn Việt Nam 1 – 1,5 tháng; trong khi, tôm ở Trung Quốc, Thái Lan… sẽ phục hồi, nhưng phải mất ít nhất 2 năm nữa. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2014, giá tôm xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn cao; nếu có giảm thì mức giảm cũng chưa nhiều. Cùng đó, chủ trương của Bộ NN&PTNT năm 2014, tăng diện tích và sản lượng nuôi TTCT nhờ thời gian nuôi ngắn, năng suất cao nhưng cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của việc này trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP: Sản lượng TTCT năm 2014 sẽ tăng 20%
Mặc dù không đưa ra dự báo về kim ngạch xuất khẩu thủy sản nói chung và con tôm nói riêng cho năm 2014 vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức thuế cho kỳ tranh chấp hành chính sắp tới, các nước phục hồi như thế nào sau dịch bệnh EMS, kinh tế thế giới có phục hồi nhanh hay không…; nhưng kỳ vọng cho xuất khẩu thủy sản nói chung và con tôm nói riêng năm 2014 vẫn khả quan vì nhu cầu thủy sản trên thế giới sẽ tiếp tục gia tăng, và tiêu dùng thủy sản ngày càng trở nên thông dụng. Năm 2014, EMS sẽ được kiểm soát tốt hơn tại các nước chịu ảnh hưởng nặng nhất như Trung Quốc, Thái Lan và Mexico. Nhờ đó, sản lượng tôm của các nước này sẽ được cải thiện. Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, cùng với Indonesia và Ấn Độ, Việt Nam sẽ là 3 nước cung cấp tôm lớn nhất thế giới bởi Trung Quốc đang chuyển dần sang trở thành nước nhập khẩu ròng tôm do nhu cầu gia tăng; và sản lượng TTCT năm 2014 sẽ tăng 20%. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với sự thắt chặt kiểm tra chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Do đó, cần sớm kiểm soát chất lượng con giống, hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng và uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.
Năm 2013, sản lượng tôm sú đạt 232,853 tấn – Ảnh: Trần Út
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Chú trọng quản lý tốt dịch bệnh
Năm 2013, diện tích tôm nuôi toàn tỉnh đạt 124.202 ha, bằng 100,53% kế hoạch và 104,14% cùng kỳ; sản lượng 89.000 tấn, đạt 103,61% kế hoạch và 115,42% cùng kỳ. Đối với hình thức nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh (TC – BTC) kết quả đạt được cũng rất khả quan: diện tích 15.097 ha, đạt 125,81% kế hoạch và 150,76% cùng kỳ; sản lượng 40.469 tấn, đạt 104,22% kế hoạch và 135,06% cùng kỳ; trong đó, tôm sú TC – BTC 10.200 ha, sản lượng 17.668 tấn và TTCT 4.897 ha, sản lượng 22.801 tấn. Triển khai kế hoạch cho năm 2014, bên cạnh những nhiệm vụ trọng tâm, cũng cần chú trọng việc quản lý tốt hơn vấn đề dịch bệnh. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả việc quan trắc và cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản; đồng thời, có cảnh báo và hướng dẫn người dân thực hiện việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nuôi theo hướng bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2014, đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông Bùi Anh Khiêm, Phó Tổng giám đốc Công ty CP XNK Lâm Thủy sản Bến Tre: Báo động đỏ tôm bơm tạp chất
Được mùa, được giá đã khiến người dân phấn khởi và làn sóng phục hồi các đầm tôm từng bị bỏ hoang lại diễn ra mạnh trên cả nước. Nhiều địa phương người dân tự phát đào thêm ao nuôi tôm mới. Phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch sẽ gây tình trạng dư thừa, khó khăn cho người nuôi và doanh nghiệp. Cùng đó là tình trạng bơm tạp chất vào tôm đã tới mức báo động đỏ. Vì nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ… đã phản ứng với các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề này. Bởi thế, đã đến lúc chúng ta không thể che giấu tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm, mà phải đấu tranh quyết liệt với nạn này. Chất lượng tôm giống cũng sẽ là nỗi lo lớn trong năm 2014, nhất là với TTCT. Bởi, trong năm 2013, thành công về TTCT chủ yếu ở các hộ nuôi nhỏ lẻ chứ không phải ở các trang trại, hộ nuôi quy mô lớn. Giá TTCT trong năm qua quá hấp dẫn đang như một liều thuốc kích thích các hộ nhỏ lẻ tham gia nuôi loại tôm này ngày càng nhiều. Khi ấy, nhu cầu con giống sẽ tăng cao, dễ dẫn tới việc nhiều cơ sở sẵn sàng cung ứng con giống không đạt chất lượng. Nếu không có các biện pháp hữu hiệu và sự đầu tư cơ sở hạ tầng thích hợp thì khó có thể giữ được con tôm sú như hiện nay.
Ông Trần Văn Của, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt, Cà Mau: Liên kết để làm giàu
Sự liên kết “bốn nhà” là rất cần thiết để bảo đảm lợi ích của các bên tham gia, nhất là khi thị trường con giống biến động; Trong đó, với một đơn vị diện tích đất nuôi tôm công nghiệp, người nuôi cần góp tối thiểu 25% vốn qua máy móc, trang thiết bị, con giống, lao động, nhiên liệu…; doanh nghiệp cung cấp vật tư hỗ trợ người nuôi tôm tối thiểu 35% thông qua hình thức bán hàng trả sau không tính lãi; ngân hàng cho vay tối thiểu 40% vốn qua hình thức cho vay thế chấp. Nhà nước hỗ trợ cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, thủy lợi khép kín, lưới điện 3 pha, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh, xét nghiệm tôm giống và kiểm tra dư lượng kháng sinh cũng như hỗ trợ nhà máy trong việc thu mua và xuất khẩu… Ðể phá thế độc canh con tôm, giảm tình trạng “treo” ao đầm, người nuôi nên mở rộng diện tích, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến cho hiệu quả cao, ít chịu rủi ro và kết hợp nuôi tôm với các loài thủy sản khác; nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tạo bước đột phá từ nghề nuôi tôm.
>> Theo VASEP, năm 2014, xuất khẩu tôm có thể đạt mức 3,5 tỷ USD; Trong đó, TTCT vẫn được dự báo là mặt hàng tiềm năng. |