T2, 06/07/2020 10:05

Lại “sốc” khi giá tôm tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Con tôm sú lại bất ngờ gây “sốc” cho người nuôi tôm ĐBSCL khi đột ngột… tăng giá. Không ít nhà nông ăn không ngon, ngủ không yên vì thiếu thông tin khi trước đó lỡ thu hoạch tôm bán giá thấp…

Đợt về thăm nhà ở phường 8, TP Cà Mau đầu tháng 9 vừa rồi, anh Lâm Văn Tiếp mặt mày bí xị: “Bữa đó đang đo màu nước ngoài đầm tôm thì đứa em họ nói tôm tăng giá bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Nghe xong mặt mày tôi méo xệch, vì vừa thu hoạch gần chục tấn tôm sú. Chỉ tính riêng tiền chênh lệch giá thôi cũng bạc trăm triệu đồng”.

Tăng giá… cũng buồn

Sau hơn 1 tháng kể từ ngày thu hoạch, 10 đầm nuôi tôm sú công nghiệp của anh Tiếp (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã xong phần cải tạo. Đang chuẩn bị xử lý phần nước, chọn giống thì bất ngờ anh Tiếp hay tin tôm sú tăng giá. Anh than thở, nếu dự đoán được tôm tăng như vậy, anh đã chậm thu hoạch số đầm tôm nêu trên.

Nông dân huyện Đầm Dơi thu hoạch tôm nuôi công nghiệp. Ảnh: Trần Tuấn

Anh Tiếp là kỹ sư chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, gắn bó lâu năm trong nghề, chỉ dẫn, khuyến cáo nhà nông đủ mọi chuyện cốt sao nuôi tôm, nuôi các loài thủy sản hiệu quả nhất. Thế nhưng, khi trực tiếp dấn thân vào nghề, anh Tiếp mới nhận ra nghề nuôi tôm quá hẩm hiu…

“Biết dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi nuôi sú dạng thưa, đỡ tốn chi phí, lỡ có dịch bệnh cũng ít thiệt hại. Tới lúc thu hoạch, tôm đạt sản lượng nhưng giá quá thấp, lời lãi không bao nhiêu. Kinh nghiệm bấy lâu mà còn bị hớ…”, anh Tiếp buồn xo.

Cùng cảnh như anh Tiếp, ông Hà Văn Hùm ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, mới bán hơn 3 tấn tôm sú vào đầu tháng 8 với giá chỉ 112.000 đồng loại 30 con/kg. Ông Hùm ngỡ ngàng trong tiếc nuối: “Cũng tôm cỡ đó nhưng không mấy hôm sau nó tăng lên 135.000 đồng/kg làm tôi tức tới ăn ngủ không được”.

Số liệu tổng hợp từ Hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (VASEP), tính đến thời điểm đầu tuần thứ 2 của tháng 9, tôm sú cỡ 20 con/kg giá 210.000 đồng; cỡ 30 con/kg là 135.000 đồng; cỡ 40 con/kg là 120.000 đồng. Mức giá trên tăng 15.000 – 20.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 7/2012.

Tìm hiểu được biết, tôm bất ngờ tăng giá không phải do giá tôm thế giới tăng mà do các nước nuôi tôm xuất khẩu lớn cạnh tranh với Việt Nam (Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc…) đã hết tôm. Trong khi đó, nguồn tôm nội địa bị dịch bệnh kéo dài, hết vụ thu hoạch và đang tái vụ nuôi mới nên nguồn hàng khan hiếm. Trước thực tế ấy, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua theo hướng có lợi cho nông dân.

Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký VASEP, phân tích, do con tôm chủ yếu xuất khẩu, phải cạnh tranh nên phụ thuộc nhiều vào giá thế giới. Như năm nay, tôm Việt Nam thất mùa nhưng mấy nước đó trúng đậm nên giá giảm.

Tại thời điểm này, những nước xuất khẩu tôm mạnh hết tôm nguyên liệu, Việt Nam cũng cạn nguồn nên giá mua tăng là đương nhiên chứ trước đây doanh nghiệp không ép giá.

Tôm tăng giá nhưng phần lớn nông dân tỏ vẻ không vui bởi tăng giá ngay lúc hết mùa thu hoạch. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đầu vụ nuôi 2012 tới nay có trên 13.000 ha tôm nuôi bị bệnh và tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Phần lớn tôm công nghiệp, bán công nghiệp bị bệnh chết, số còn lại cũng vừa thu hoạch xong, hiện đang cải tạo để nuôi nối vụ.

Riêng loại hình nuôi phổ biến ở Cà Mau là quảng canh, hiện đang trong giai đoạn sên vét, cải tạo ao đầm tập trung, người nuôi tôm hạn chế lấy nước và thu hoạch tôm, sợ nhiễm dịch bệnh qua nguồn nước sông ô nhiễm.

Còn mô hình luân canh vụ lúa trên đất tôm, hiện nhà nông đang giai đoạn sạ lúa, lượng tôm thu tỉa, thu mót không đáng kể. Do vậy, lượng tôm thu hoạch trong nhân dân khá thấp so những tháng trước đó.


Nghịch lý dai dẳng

Hơn 10 năm kể từ ngày con tôm được “xuất ngoại”, nghề nuôi tôm Cà Mau không ngừng phát triển và là một trong những nghề mang về ngoại tệ lớn. Không ít người mau chóng đổi đời, tậu xe hơi, cất nhà lầu nhờ con tôm. Thế nhưng gần đây, không ít hộ nợ nần chồng chất, thậm chí phá sản cũng vì con tôm. Thực tế đã và đang diễn ra cho thấy, ngành nghề này đang bộc lộ nhiều bất ổn, được ví như từ “giai đoạn chạy” chuyển sang “đi khập khiễng”.

Thu hoạch tôm trong mô hình tôm – lúa ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình – Ảnh: Hải Yến

Cụ thể, nghề nuôi bộc phát “chạy” trước quy hoạch nên thủy lợi chưa đồng bộ, chưa thể khép kín vùng nuôi nên khi xảy ra dịch bệnh dễ lây lan nhanh; nhà máy chế biến thủy sản mọc lên tràn lan. Với 32 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản, công suất được thiết kế trên 190.000 tấn nguyên liệu thành phẩm/năm sẽ cần trên 280.000 tấn tôm nguyên liệu. Thế nhưng, sản lượng tôm nguyên liệu năm 2011 của tỉnh chỉ khoảng 132.000 tấn.

Hệ lụy là nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu dù tôm trúng mùa. Trong khi đó, nhà máy hình thành thiếu tập trung, một số được tập trung vào khu công nghiệp nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây hại lại cho nghề nuôi tôm.

Giá cả con tôm “nhảy múa” liên tục trong khi người trực tiếp làm ra con tôm hầu như thông qua “hàng xáo” và đại lý chứ chưa định đoạt được giá bán. Công tác dự đoán, dự báo chưa thật sự tốt, khó định hướng người sản xuất…

Ông Lý Văn Thuận nhận định: “Rất khó dự báo trong tình hình hiện nay, song việc tăng giá tôm chưa bền vững vì tình hình dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp; giá tôm phụ thuộc vào tình hình tôm thế giới, nhu cầu ăn hàng của người dân nước nhập khẩu…”.

Như thành quy luật, khi con tôm được mùa thì mất giá, được giá thì thất mùa. Nghịch lý ấy tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua. Người làm ra con tôm biết vậy, dù không muốn cũng buộc lòng chấp nhận. Dù khó lòng “giận hờn” thực tế giá tôm tăng bất ngờ theo chiều hướng có lợi nhưng nhà nông vẫn mang nỗi lo canh cánh… Nhà nông cần cù, chịu khó, chăm bẳm làm theo khuyến cáo, sản xuất theo nhu cầu của thị trường nhưng luôn chịu thiệt thòi.

Hải Yến

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!