Làm chủ biển Tổ quốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đáp ứng sự chờ đợi nhiều năm, Luật Biển đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Lần đầu tiên, nước ta có một văn bản luật quy định đầy đủ chế độ pháp lý các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982.

Thật ra, biển Tổ quốc ta rộng khoảng một triệu ki-lô-mét vuông, từ xưa đã được nhân dân ta làm chủ. Sự làm chủ liên tục, xuyên suốt đến nay, dẫu lịch sử có nhiều biến động nhưng chủ quyền ấy chưa bao giờ thay đổi. Như với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì quan điểm nhất quán của nước ta trước sau vẫn rõ ràng, đó là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật Biển đưa ra những quy định về chế độ qua lại của các loại tàu thuyền nước ngoài trong các vùng biển Việt Nam; về các hoạt động trong nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, về hợp tác nghiên cứu khoa học biển, về giữ gìn và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, tìm kiếm cứu hộ .v.v. Các quy định giúp cho việc sử dụng biển hiệu quả hơn, bảo vệ an ninh trên biển tốt hơn.

PGS-TS Nguyễn Hồng Thao (Đại học Quốc gia Hà Nội), trả lời truyền thông mới đây: “Có thể thấy, Luật Biển đã đề cập một cách toàn diện nhất các hoạt động trên biển đặt dưới sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Điều này thể hiện rõ Việt Nam là một quốc gia ven biển có trách nhiệm trong việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển của mình, phù hợp với luật quốc tế và lợi ích quốc gia, cam kết bảo vệ các hoạt động biển hợp pháp của các thể nhân, pháp nhân Việt Nam và nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam”.

Luật Biển cũng thể hiện rõ chủ trương của nước ta giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình: “Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.

Vấn đề quan trọng hiện nay là thực thi Luật Biển. Phải làm cho nhân dân cả nước hiểu để bảo vệ và khai thác biển tốt hơn. Khẳng định trên thực tế chủ quyền biển đảo của chúng ta, cũng để hạn chế những hiểu lầm gây xung đột với các nước có vùng biển chồng lấn. Đặc biệt, biển Tổ quốc phải có chủ. Trong đó, người ngư dân hiện diện hàng ngày làm ăn, sinh sống trên biển là điều vô cùng quan trọng.

Ngư dân cần được hỗ trợ, tiếp sức để có đủ khả năng bám biển Tổ quốc ngày đêm, xây dựng cuộc sống trên biển hòa bình, hạnh phúc. Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác cho biết, một số tỉnh miền Trung đã xây dựng những đội tàu hàng chục chiếc, có tàu lớn làm dịch vụ hỗ trợ hậu cần, là hướng phát triển thích hợp để đánh bắt xa bờ. Chủ tịch Hội Nghề cá Nguyễn Việt Thắng nói thêm, Nhà nước cần hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn và nhất là, thành lập lực lượng kiểm ngư để hỗ trợ ngư dân làm ăn trên biển.       

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!