Nguồn thủy hải sản ngày càng khan hiếm, những hiểm nguy từ thiên tai, nhân tai luôn rình rập mỗi khi ra khơi khiến các ngư dân miền Trung phải nhạy bén để thích nghi với điều kiện đánh bắt. Có nhiều “tập đoàn” tàu cá của ngư dân được thành lập, việc chuyển đổi hình thức đánh bắt đang giúp họ có thể làm giàu từ biển.
“Tập đoàn” tàu cá
Ông vừa vinh dự được mời tham dự hội nghị điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng. Ông chủ của một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh, mỗi năm thu về hàng tỷ đồng ấy là Bùi Thanh Ninh (55 tuổi), xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) – người dân quê ông hay gọi “tập đoàn” tàu cá ông Ninh. Đội tàu đánh bắt xa bờ của ông Ninh có 12 chiếc (tổng công suất gần 4.000 CV) và 120 ngư dân.
Ngư dân miền Trung bội thu sau chuyến ra khơi. Ảnh: Hà Minh
Có ai biết được đằng sau những thành quả ấy là những giọt mồ hôi nước mắt mặn chát một thời khốn khó của một Bùi Thanh Ninh đi buôn cá chuồn từ Nam ra Bắc. Năm 2000 khi đã dành dụm được vốn, vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng, ông đóng mới chiếc tàu đánh cá đầu tiên. Chiếc tàu hạ thủy, rẽ sóng nhằm ngư trường Trường Sa – Hoàng Sa thẳng tiến với những chuyến cá đầy khoang.
Tiếng Bùi Thanh Ninh tự đóng tàu chất lượng tốt râm ran bay xa, nhiều ngư dân trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng. Chỉ riêng 2 năm 2004 – 2005, xưởng của ông xuất xưởng trên 100 tàu đánh bắt xa bờ theo đơn hàng, ông cũng thanh toán hết các khoản nợ ngân hàng. “Tiền lãi từ đánh bắt, từ dịch vụ hậu cần nghề cá, từ đóng tàu, tôi đều tích góp để đóng thêm tàu lớn công suất 350 – 450 CV, loại bỏ dần những tàu công suất nhỏ”, ông Ninh cho biết.
Cứ vậy, mỗi năm ông Ninh đóng mới 1 – 2 chiếc, mở rộng quy mô đội tàu và nhanh chóng trở thành chủ của đội tàu đánh cá lớn nhất tỉnh Bình Định, chuyên hành nghề lưới rút đánh bắt cá ngừ sọc dưa và mực xà ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Nam của Tổ quốc. “Đánh bắt giữa biển khơi thường xuyên gặp bất trắc nên điều tất yếu là phải xây dựng đội tàu hùng mạnh để bám biển, vươn khơi, vừa hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Tàu lớn mới có thể đánh bắt xa bờ hiệu quả, góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Nhờ làm ăn hiệu quả, mỗi năm các tài công đội tàu của ông Ninh được chia tiền công khoảng 100 – 120 triệu đồng/người, ngư dân được 50 – 60 triệu đồng/người. Chỉ riêng trong tháng 9 và 10-2012, đội tàu của ông đánh bắt được trên 200 tấn cá ngừ sọc dưa, mỗi người được chia 10 – 15 triệu đồng/đợt đánh bắt kéo dài 15 – 20 ngày.
Chuyển đổi phương thức đánh bắt
Ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), gần 5 tháng nay, 10 chiếc tàu đã mạnh dạn chuyển đổi phương thức đánh cá nên có thu lợi nhuận cao. Tàu của ông Huỳnh Văn Minh là một điển hình. Vài tháng trở lại đây, ngư dân này từ đánh bắt cá chuồn chuyển qua câu cá ngừ đại dương. “Thu nhập 4 phiên biển từ nghề câu cá ngừ cao hơn 1 năm đi lưới chuồn”, ngư dân này bật mí.
Ngư dân Huỳnh Tấn Nghĩa cầm lái tàu QNg 97217TS từ từ vào bến, cá đầy khoang. Ngay lập tức, đại diện các công ty chế biến và buôn bán thủy sản ở Bình Định tiếp cận hàng, chào giá ngay. Mức giá dao động 85.000 – 135.000 đồng/kg, tùy theo hàng được phát ra râm ran cả góc cảng. Còn các ngư dân địa phương trầm trồ pha chút ganh tị bởi tàu của ông Minh đã trúng đàn cá ngừ khủng. Những con cá ngừ da xanh mướt, tươi rói, trọng lượng 40 – 50kg/con nằm ngang dọc dưới hầm tàu. Với 130 con cá ngừ, trừ 100 triệu đồng phí tổn, ngư dân còn 300 triệu đồng để chia phần. Theo các ngư dân câu cá ngừ, cứ một đêm câu được 10 con thì coi như thành công. Nhưng tàu của ông Minh có đêm dính câu đến 25 con.
Ông Võ Hướng, ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu cười sang sảng: “Hồi giờ tôi đi nhiều nghề rồi nhưng nghề câu cá ngừ đại dương giống như người ta đi chơi, nhưng tiền thì kiếm bộn”. Ngư dân Thành cho biết: “Ra ngoài biển, anh em ngư dân ngủ cả ngày, chiều tối mới buông câu. Cá dính thì kéo lên. Làm rất khỏe mà thu nhập lại khá cao”.
Ngư dân trên tàu ông Minh thống kê thu nhập từ 4 chuyến biển vừa qua: Chuyến đầu tiên thu về 200 triệu đồng, chuyến thứ hai 250 triệu đồng, chuyến thứ ba vọt lên 600 triệu đồng và chuyến thứ tư 430 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn được chia phần gần 80 triệu đồng sau 4 chuyến biển. Số tiền này gần gấp đôi một năm đi bạn nghề lưới chuồn khơi. Tàu của ông Minh là chiếc đầu tiên ở Quảng Ngãi chuyển đổi nghề lưới chuồn sang nghề câu cá ngừ đại dương vào tháng 5-2012. Khi chuyển sang nghề mới, nhiều ngư dân không dám bước lên tàu của ông Minh để đi bạn. Lý do ngư dân đưa ra, hồi xưa đi biển có lúc mang đến 2 giàn lưới để dự phòng. Còn bây giờ đi câu, mỗi phiên mất 100 triệu đồng tiền phí tổn, vậy mà chỉ mang theo 4 cái ống dây.