(Tạp chí Thủy sản VN) – Mấy năm gần đây, phong trào nuôi động vật hoang dã tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nổi lên khá rầm rộ. Chỉ riêng tại Hậu Giang cũng đã có tới ba mô hình ăn nên làm ra, đó là trại heo rừng tại huyện Phụng Hiệp; trại nhím ở huyện Châu Thành A và đặc biệt là trang trại ba ba và cua đinh Lâm Nguyệt của bà Trịnh Thị Nguyệt tại xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) với vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng.
Vạn sự khởi đầu nan
“Gian nan thử sức, hoạn nạn thử lòng” – câu nói đó rất đúng với hoàn cảnh của bà Trịnh Thị Nguyệt. Cuộc đời của bà đã từng trải qua bao gian nan khổ cực, nhưng bằng ý chí và nghị lực, bà đã vượt lên tất cả để đi đến thành công. Suốt nhiều năm dài, bà đã thử thách với nhiều nghề từ mua bán, cắt lúa, làm rẫy cho đến nuôi trăn, nuôi ba ba… Mãi đến năm 2004, con trăn và ba ba dần dần mất giá bà mới chuyển sang nuôi cua đinh. Sau 2 năm thử nghiệm, con vật hoang dã nầy đã mang lại cho bà một lợi nhuận vô cùng hấp dẫn, kết quả thật không ngờ.
Trước hết, bà tìm mua được 200 con giống đem về thả. Nhờ có nhiều kinh nghiệm nuôi ba ba nên việc nuôi cua đinh đối với bà không có gì khó khăn lắm. Tuy nhiên, để đạt năng suất cao, bà phải mày mò học hỏi và đọc thêm nhiều tài liệu. Bà cho biết cua đinh khác ba ba ở chỗ năm đầu nó phát triển chậm, khoảng 800gram/con. Nhưng từ năm thứ hai, thứ ba… cua tăng trọng rất nhanh, có thể lên đến 4 – 6 kg/ con. Sau đó, trọng lượng cứ tăng dần lên 2, 3 chục kg. Trong khi đó ba ba chỉ lớn có mức độ vài, ba kg/con, chất lượng lại không bằng cua đinh. Theo kinh nghiệm của bà, cua đinh rất háu ăn, dễ nuôi, có thể cho ăn thức ăn sống như cua, ốc, cá, tép hoặc thức ăn viên. Về bệnh tật hầu như chưa xảy ra bao giờ. Nhưng muốn bảo đảm an toàn, các bể nuôi, ao nuôi phải đúng qui cách, vệ môi trường thật tốt và thức ăn phải sạch. Để cho cua đẻ, bà nhốt chung, cứ 5 cái – 1 đực. Cua cái tự bò lên hố cát bươi đẻ, mỗi lứa từ 8 – 15 trứng. Mỗi năm cua đẻ 3 – 4 lần trong khoảng từ tháng 12 đến tháng 7 âm lịch. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm, trứng ấp chỉ nở khoảng 30%, dần dần lên 80 – 90%. Trở ngại lớn nhất là do thời gian trứng ấp kéo dài đến 100 ngày, năm nay thời tiết lại nóng nực nên bà đã có sáng kiến dùng quạt máy để điều hòa ẩm độ, tuy nhiên cũng không tránh khỏi hao hụt.
Cua đinh 3 năm tuổi
Hiệu quả từ mô hình nuôi cua đinh
Lấy ngắn nuôi dài, tích thiểu thành đa, đó là châm ngôn của bà Trịnh Thị Nguyệt. Lúc đầu bà nuôi trăn, có được ít vốn chuyển qua nuôi ba ba và từ con ba ba, bà tích lũy dần để mở rộng thêm diện tích nuôi cua đinh. Mặc dù số lượng ba ba hiện nay lên đến 20.000 con nhưng bà vẫn coi cua đinh là mặt hàng chủ lực trong tương lai và nơi tiêu thụ mạnh nhất sẽ là các nhà hàng quán ăn đặc sản và thị trường Trung Quốc. Hiện nay, bà đã xây dựng hoàn chỉnh 50 bể nuôi và 4 hồ lớn với diện tích chăn nuôi trên 2.700 m2. Bà dự kiến sẽ mở tiếp diện tích chăn nuôi để phát triển 1.000 cua đinh bố mẹ và 2.000 cua đinh hậu bị, đồng thời tăng thêm đàn ba ba với tổng số vốn đầu tư trên 2 tỉ đồng. Bà phấn khởi cho biết mặt hàng cua đinh hiện nay rất hấp dẫn, con giống khan hiếm, con thịt cũng không đủ bán. Giá một con giống 20 ngày tuổi là 500.000đ; cua bố mẹ: 1.500.000đ/con (2 – 3 kg); cua thịt: 450.000 – 500.000đ/kg/loại I. Nhờ vậy mà năm 2009, bà đã thu về trên 200 triệu đồng từ tiền bán cua đinh thịt (cua đực), chưa kể tiền bán con giống.
Với thành quả trên, trang trại Lâm Nguyệt của bà đã được Sở NN&PTNT Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh động vật hoang dã. Năm nào bà cũng nhận được Giấy khen của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, đặc biệt là Bằng khen của UBND tỉnh Hậu Giang về thành tích Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền và đang đề nghị danh hiệu Nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương.
THÀNH HIỆP – HOÀNG VŨ