(TSVN) – Đây là tựa đề cuốn sách của nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc vừa ra mắt chiều 28/8; nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật phát hành.
Cuốn sách gồm 50 bài viết và trả lời phỏng vấn liên quan đến ngành thủy sản, đa số các bài viết đã được đăng trên báo, tạp chí có uy tín. Mỗi bài viết là một sự đúc kết, chắt lọc đưa ra thông điệp về ngành thủy sản, về đời sống xã hội, về hệ thống quản lý nhà nước ngành thủy sản. Sách được sắp xếp thành 5 phần: Phần 1: Nơi khởi đầu câu chuyện – những ngày rời công việc; Phần 2: Câu chuyện đã qua, góc nhìn hiện tại; Phần 3: Cho một thời kỳ phát triển mới; Phần 4: Tản mạn; Phần 5: Trở về.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc chia sẻ: “Cuốn sách này tập hợp một số bài tôi viết hoặc trả lời phỏng vấn thời gian qua, chủ yếu trong những năm tháng đã nghỉ công tác. Cũng có những bài viết ra mà tôi chưa có ý định đăng báo. Mỗi bài viết về một việc, một sự kiện, một thời khắc trong quá trình ngành phát triển được chọn một cách chủ quan, nên tính liên tục về sự phát triển ngành thủy sản không phải là mục đích; và vì thế, với cuốn sách này, tôi không có ý định tổng kết ở một tầm nhất định về công việc của ngành. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này đưa ra những suy nghĩ bản thân về việc lo dài hơi hơn cho phát triển nghề cá biển, nằm trong tổng thể kinh tế biển Việt Nam và cộng đồng dân cư ven biển”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc trong buổi lễ ra mắt sách
Tại buổi lễ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết: “Cuốn sách ra đời trong thời điểm vô cùng quan trọng, kỷ niệm 60 năm ra đời Tổng cục Thủy sản, những thông tin trong cuốn sách có ý nghĩa to lớn góp phần cho xây dựng chiến lược dài hạn cho ngành trong thời gian tới”.
Một trong những người được đọc bản thảo của cuốn sách, PSG.TS. Nguyễn Chu Hồi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết: “Đây là một cuốn sách rất hay, gói gém không chỉ những tâm tư với ngành thủy sản, với ngư dân của tác giả Tạ Quang Ngọc, mà còn là tài liệu tham khảo rất quý cho những ai đang quan tâm đến chiến lược phát triển và công tác quản lý nhà nước về thủy sản và biển. Không có tâm, có tầm và tâm huyết với bà con ngư dân, với ngành, với biển đảo của đất nước thì tác giả không thể dành thời gian và thông tuệ gửi gắm vào cuốn sách những chắt chiu, rèn rũa từ thực tế công tác thành những thông điệp đáng nhớ cho các thế hệ đi sau. Cuốn sách là món quà rất quý mà tác giả dành cho ngành, cho gia đình, và cũng là cách tác giả đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản nước ta trong thời gian tới”.