Khi ánh nắng cuối ngày không còn rọi trên những ngọn sóng lăn tăn cũng là lúc những ngư dân làm nghề rớ bắt đầu một đêm khai thác mới. Hành trang mang theo của ngư dân làm nghề rớ là vài cái rổ, cái nón bằng nhôm, con roi, đồ ăn nước uống…, tất cả bỏ vào thuyền con chèo về căn chòi nhỏ nổi trên mặt nước.
Làng rớ Cửa Đại (Hội An) có từ rất lâu đời, cả làng có hơn 100 chiếc rớ, được đặt nơi vùng giao thủy sông Thu Bồn và Trường Giang trước khi đổ về biển cả. Mùa này biển lặng cũng là mùa của nghề rớ, ngư dân đánh cá thâu đêm, đến khi bình minh rực hồng nơi Cửa Đại mới kết thúc một ngày cực nhọc.
Một góc làng rớ ở vùng giao thủy Thu Bồn và Trường Giang.
Theo ông Lê Văn Bốn (75 tuổi, người làm nghề rớ hơn 40 năm nay ở khu vực Cửa Đại), khoảng 20 năm trước, một đêm làng nghề có thể đánh bắt hơn 2 tấn cá. Nhưng rồi do dân cư đông đúc, các cơ sở công nghiệp phát triển, bao nhiêu chất thải đổ ra sông không qua xử lý cùng với các nghề khai thác kiểu tận diệt nên số lượng cá ngày càng sụt giảm. Bây giờ có những giàn rớ cất trong một đêm chỉ được 1 – 2kg cá. Do mưu sinh thất bát, nhiều chủ rớ chuyển qua nghề khác như thả lưới, sản xuất nhà tre lá dừa nước, chăn nuôi vịt nơi cửa biển…
Dùng roi quất vào rớ để cá dồn về đáy.
Phụ nữ cũng hành nghề cất rớ như đàn ông.
Anh Nguyễn Văn Ba cất mẻ rớ chỉ vỏn vẹn dăm bảy con cá nhỏ.
Kết hợp nghề rớ, nhiều hộ còn chung vốn nuôi vịt nơi cửa sông để có thêm thu nhập.
Do sản lượng đánh bắt bằng rớ giảm, vợ chồng anh Trần Văn Minh chuyển sang nghề thả lưới.
Mẻ rớ cuối cùng cũng là lúc bình minh rực hồng nơi Cửa Đại.