(TSVN) – Để giảm thiểu tối đa thiệt hại trong mùa mưa bão năm nay, các hợp tác xã, hộ dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho các lồng cá.
Rủi ro mùa mưa bão
Trong những năm gần đây, mô hình nuôi cá lồng phát triển khá mạnh trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên vào mùa mưa bão, nguy cơ thiệt hại do bão lũ cũng rất lớn.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện, toàn tỉnh có 513 lồng cá, tập trung ở các huyện Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định, Bình Gia, Bắc Sơn, Lộc Bình. Trong đó, Văn Quan là huyện có diện tích nuôi cá lồng lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Do ảnh hưởng của mưa lũ trong năm 2024, đặc biệt là ảnh hưởng của bão Yagi (tháng 9/2024) đã làm thiệt hại 139 lồng cá và 24,22 ha ao nuôi, tổng giá trị hơn 2,4 tỷ đồng.
Chủ động các biện pháp chăm sóc thủy sản trước mùa mưa lũ giúp hạn chế thiệt hại. Ảnh: ST
Ông Linh Văn Thắm, Giám đốc Hợp tác xã Xuân Mai, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan cho biết: Năm 2020, Hợp tác xã đi vào hoạt động, có 7 thành viên nuôi cá với tổng số 9 lồng. Trong mùa mưa bão, một trong những mối lo của người nuôi trồng thủy sản là nguy cơ thất thoát cá; môi trường nuôi cá bị ảnh hưởng.
Còn theo bà Trần Thị Tố Loan, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, gia đình bà nuôi cá lồng được 4 năm với 4 lồng cá. Bình quân mỗi năm, gia đình thu hoạch và bán ra thị trường khoảng 1 tấn cá. Tuy nhiên, nuôi cá lồng là hình thức gặp nhiều rủi ro, nhất là trong mùa mưa lũ. Nguy cơ vỡ lồng, chết cá do nước lũ, ô nhiễm, và nhiều yếu tố khác khiến nghề này gặp nhiều khó khăn. Điển hình như năm vừa qua, gia đình bà đã bị mất hơn 3.000 con cá nhỏ mới thả do ảnh hưởng của thiên tai.
Chủ động phòng ngừa
Mưa bão là hiện tượng tự nhiên không thể ngăn chặn, tuy nhiên, người nuôi cá lồng có thể giảm thiểu thiệt hại nhờ vào sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng. Do vậy, thời điểm này, các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ông Luân Văn Bảy, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thác Xăng, xã Bắc La, huyện Văn Lãng cho biết: Hiện, hợp tác xã đang có 35 lồng cá. Để tránh thất thoát cá khi nước dâng cao, từ đầu năm 2025 đến nay, chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, thu hoạch và xuất bán gần 9 tấn cá. Hiện, các thành viên đã gia cố xong các lồng và đưa lồng cá neo tại các khu vực an toàn.
“Rút kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ đầu năm nay, gia đình tôi đã kiểm tra, gia cố lại lồng, hệ thống phao, lưới, chằng, buộc giữ các lồng cá chắc chắn, đồng thời, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp thu hoạch, bảo vệ kịp thời, tránh thất thoát cá trong lồng ra ngoài”, bà Loan chia sẻ.
Bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chuyên môn các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ thủy sản. Theo ông Lý Văn Đàm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Văn Quan, ngay từ đầu năm, đơn vị đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân bố trí, sắp xếp vị trí lồng cá, chủ động di chuyển lồng cá vào vị trí an toàn, không để lồng cá ở các nơi nước lũ chảy xiết, gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách,… Đồng thời, thường xuyên vệ sinh, vớt cá chết, bảo đảm môi trường sống tốt cho cá, tránh dịch bệnh phát sinh.
Bên cạnh đó, các hộ nuôi cần tăng cường bổ sung chế phẩm sinh học và thức ăn cho cá vào thời điểm mưa lũ nhằm tăng sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh; chuẩn bị máy sục để tạo ôxy trong trường hợp cần thiết. Đặc biệt, người dân cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời, thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm trước khi mưa lũ xảy ra tại những khu vực xung yếu, hay ngập lụt,…
Ngoài ra, các trưởng thôn, khu phố tại các xã có cá lồng trên địa bàn huyện đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi cá lồng mùa mưa bão.
Thanh Hiếu
Đảm bảo an toàn nghề nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh mùa mưa lũ không chỉ là bảo vệ sinh kế, mà còn là bước đi cần thiết để xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng, bền vững.