Lạng Sơn: Rà roát, bố trí hợp lý lồng bè trên sông, hồ chứa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực hiện chỉ đạo của Cục Thủy sản, Sở NN&PTNT Lạng Sơn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện thành phố triển khai một số giải pháp quản lý nuôi lồng bè, hồ chứa, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trên địa bàn tỉnh.

Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, theo kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi cá lồng bè trên sông/hồ chứa tại một số tỉnh trọng điểm năm 2022 và 9 tháng năm 2023 cho thấy chất lượng môi trường vùng nuôi có xu hướng giảm. Một số thông số môi trường có giá trị vượt giới hạn cho phép bao gồm: Coliform, N-NO2, COD, Chlorophyll a, N-NH4+, P-PO43. Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh kết hợp với mưa lũ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi.

Vùng nuôi cá lồng của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Báo Tài nguyên và Môi trường. 

Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, thúc đẩy phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên sông, hồ chứa, Sở NN&PTNT Lạng Sơn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người nuôi thực hiện đăng ký nuôi lồng bè và thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo quy định; tổ chức rà soát, bố trí lồng nuôi phù hợp, đúng kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương. Cùng đó, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói rét cho thủy sản nuôi theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Sở.

Thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước có thể ảnh hưởng đến vùng nuôi. Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết rải rác cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thủy sản bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh.

Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn cử cán bộ hướng dẫn cho người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý vùng nuôi. Cụ thể: Giống thả nuôi phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch bởi cơ quan thú y theo quy định; Thức ăn dùng cho thủy sản phải bảo đảm không gây hại cho vật nuôi và người sử dụng sản phẩm thủy sản.

Bổ sung vitamin, khoáng, vi chất vào khẩu phần ăn của thủy sản nuôi để nâng cao sức đề kháng với diễn biến tiêu cực của dịch bệnh và môi trường; thường xuyên vệ sinh sát trùng lưới lồng, dụng cụ nuôi, treo túi vôi xung quanh lồng nuôi để khử trùng, cải thiện môi trường nuôi.

Chuẩn bị sẵn máy bơm, sục khí, nguyên, nhiên, vật liệu để sẵn sàng ứng phó khi môi trường nuôi diễn biến xấu. Thường xuyên theo dõi diễn biến môi trường lồng bè nuôi, nhất là vào sáng sớm, chiều tối nhằm sớm phát hiện những biến động môi trường ảnh hưởng không tốt đến thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo dõi sát thông tin thị trường để thu hoạch vào thời điểm thích hợp; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh…

Ngoài ra, tăng cường thông tin tuyên truyền về quản lý chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định trong nuôi thủy sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

PV

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
LIÊN HỆ

    Back to top
    error: Content is protected !!