(TSVN) – Mô hình được nhiều hộ ở thôn An Quang, xã Quang Kim (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) mạnh dạn áp dụng nhằm cung cấp nông sản an toàn cho khách hàng. Nhờ đó, các hộ có thu nhập cao, ổn định.
Ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Kim cho biết: Những năm qua, mô hình sản xuất nông sản an toàn của nhóm hộ thôn An Quang mang lại hiệu quả cao. Những gia đình tham gia sản xuất nông sản an toàn tại thôn An Quang có lợi nhuận từ 100 – 500 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân ở các địa phương khác trong xã triển khai mô hình sản xuất, cung cấp nông sản sạch để phát kinh tế hiệu quả, bền vững.
Nuôi cá đem lại hiệu quả cao cho người dân Lào Cai. Ảnh: Kim Thoa
Gia đình anh Dương Xuân Hữu, ở thôn An Quang, trước đây có 8.000 m2 ao nuôi thủy sản nhưng mỗi năm nhưng chỉ thu lãi khoảng chục triệu đồng từ bán cá. Năm 2018, nhận thấy người tiêu dùng, nhất là khu vực thành thị, có nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, anh đã thay đổi, bắt đầu từ nuôi cá. Trước đây, với diện tích mặt nước hiện có, anh có thể thả hàng vạn con cá với đủ loại trắm, chép, rô phi… nhưng nay anh chỉ thả khoảng 1.000 con cá trắm cỏ và thêm vài chục con chép, mè. Cá trắm mà anh Hữu thả xuống ao ban đầu có trọng lượng 1 – 1,5 kg nên ăn cỏ rất tốt và lớn nhanh. Nếu chăm sóc tốt thì chỉ trong 1 năm, cá có trọng lượng lên tới 4,5 – 5 kg, thậm chí 6 kg/con.
Hàng ngày, gia đình Hữu phải có 2 nhân lực cắt 1,5 – 2 tạ cỏ, lá chuối, cây ngô non. Cá trắm cỏ được ăn no, cùng với nguồn nước sạch nên rất khỏe, nhanh lớn, chất lượng thịt thơm, ngon, giá bán cao, khoảng 75 – 85 nghìn đồng/kg tùy trọng lượng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi có lãi khoảng 150 triệu đồng từ nuôi cá.
Ngoài ra, tận dụng lượng cá nhỏ, cá tạp rất lớn, giá bán lại rẻ tại ao, anh Hữu đã sấy khô rồi nghiền lẫn với ngô làm thức ăn chăn nuôi lợn. Mỗi năm, anh còn phải mua thêm 4 tấn ngô để nuôi khoảng 6 tấn heo thịt. Vì chủ động được con giống, thức ăn, đặc biệt là không nuôi cám tăng trọng nên chất lượng thịt đảm bảo. Giá heo thịt gia đình anh Hữu bán đắt hơn ngoài chợ khoảng 10.000 đồng/kg mà vẫn không có để bán.
Mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn khép kín mang lại cho gia đình anh Hữu lợi nhuận khoảng 450 – 500 triệu đồng/năm. Từ thành công của gia đình anh Hữu, đến nay, thôn An Quang đã có hàng chục hộ triển khai mô hình sản xuất, cung cấp nông sản an toàn.
Nhu cầu tiêu thụ nông sản an toàn ngày càng lớn, nhất là ở các khu đô thị. Mô hình sản xuất, cung cấp nông sản an toàn của người dân thôn An Quang là hướng đi phù hợp, có thể nhân rộng, nhất là với địa phương gần trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn…
Ngọc Diệp