T2, 06/07/2020 10:04

Lao đao vì tin thất thiệt

Chưa có đánh giá về bài viết

ĐBSCL thời gian gần đây rộ lên những tin đồn thất thiệt liên quan con cá, gây nhiều thiệt hại.

Cá điêu hồng “nhiễm chất cấm”

Làng cá lồng bè trên sông Tiền thật ảm đạm từ ngày có tin đồn thất thiệt là cá điêu hồng nhiễm chất cấm Trifluralin. Ông Nguyễn Văn Tạo (ở ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có thâm niên 8 năm nuôi cá lồng, hiện sở hữu 20 bè cá, nói thiệt hại quá lớn khi giá cá sụt giảm, người tiêu dùng không ăn, sản phẩm không tiêu thụ được. Ông xuất bán hôm trước trên 20 tấn cá điêu hồng với giá 27.500 đồng/kg, đã lỗ trên 20 triệu đồng. Hôm nay, giá chỉ còn 25.500 đồng/kg; bán mỗi tấn cá lỗ 3,5 – 4,5 triệu đồng. Mỗi lồng cá của ông có 7 tấn, vị chi lỗ 25 – 30 triệu đồng, sau 5 tháng nuôi.

Làng cá bè diêu hồng nay đìu hiu – Ảnh: Minh Trí

Cũng ở ấp Thới Hòa, ông Nguyễn Văn Phú nuôi 6 lồng cá, mỗi lồng một vụ đầu tư trên 200 triệu đồng (chưa tính chi phí đóng lồng), đến kỳ thu hoạch 6 – 7 tấn cá. Với giá hiện nay, 6 lồng cá lỗ không dưới 140 triệu đồng. Nhiều hộ  không chịu nổi đang tính kế bán bớt hoặc “treo bè”. 

Nghề nuôi cá điêu hồng trong lồng bè phát triển mạnh tại Tiền Giang khoảng 10 năm lại đây. Lúc cực thịnh, trên đoạn sông Tiền thuộc địa phận TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành có gần 1.500 lồng bè. Năm 2012, giá cá tụt dốc thể thảm từ khi có tin đồn thất thiệt.  

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang khẳng định, không phát hiện chất cấm Trifluralin trên cá điêu hồng nuôi lồng bè. Nhưng để trả lại sự thật không đơn giản. Tin đồn như bão dữ đã tràn qua.

 

Cá lạ đớp mất “của quý”

 Hơn tuần qua, xảy ra việc cá cắn dương vật 2 đứa trẻ tại xã Tân Kiều (Tháp Mười, Đồng Tháp) làm xôn xao và hoang mang cả một vùng quê bởi những tin đồn thổi thêu dệt. Đó là cháu Nguyễn Hoàng Hảo (sinh năm 2008, con của chị Mai Thị Ai ở ấp 1) và cháu Nguyễn Hữu Thiện (sinh năm 2005, con anh Nguyễn Hữu Tình ở ấp 3).

Hàng trăm người bủa lưới, không bắt được con cá lạ nào

Anh Tình kể, trưa 5-8, cháu Thiện xuống sông Kênh Giữa tắm cùng 4 – 5 cháu nhỏ chung xóm, đa số các cháu đều cởi hết quần áo khi tắm. Thiện khóc toáng lên, những người có mặt vội nhảy xuống bế cháu lên thì phát hiện vùng dưới bụng cháu có máu, nên vội đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Tháp Mười. Bác sĩ chẩn đoán, có thể bị cá dữ tấn công gây tổn thương dương vật, phải khâu lại vết thương và nằm viện vài ngày để điều trị. Chiều 9-8, cháu Hảo cũng lâm cảnh tương tự, khi đang tắm sông.

 Bác sĩ Lương Văn Phó, Trưởng khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa Tháp  Mười, cho biết: Hai cháu có bị một số vết thương ở bụng và dương vật rách da chảy máu có thể do vật nhọn tác động. Thế nhưng, một số báo đưa tin là dương vật của các cháu gần đứt lìa, chỉ còn dính ít da (!). Từ đó sinh ra tin đồn ngày càng ghê gớm.

Sáng 13-8, địa phương phải tổ chức dùng lưới và chài cá để giăng bắt cá, huy động hàng trăm người tham gia, dưới sự chỉ huy của Chủ tịch UBND xã. Hiện trường được phong tỏa gần trăm mét. Chủ tịch xã cho biết, vị trí 2 cháu bị cá cắn cách nhau đến 3 km, vì thế rất khó xác định chính xác loại cá gì, có dư luận cho rằng cá sấu con hay cá mập. Kết quả, không bắt được con cá lạ nào. 

Cháu Nguyễn Hữu Thiện đang được chăm sóc tại bệnh viện – Ảnh: Trung Tính

  “Thế nhưng cuối cùng con vật cắn các cháu có thể là cá nóc mít, vì đang mùa sinh sản nên chúng khá dữ” – Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản  Đồng Tháp nói. Bà Nguyễn Thị Út, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Kiều, cho hay: Ở địa phương xuất hiện vài xây xát nhẹ do cá cắn, dự đoán chỉ là cá chim trắng. Nhưng tin đồn thì có nhiều người bị cá lạ tấn công, thương tích nặng.

Minh Trí - Trung Tính

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!