Để phát triển bền vững nuôi tôm, cuối tháng 6 vừa qua, tại xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, “Phú Thịnh Hội quán” đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Nuôi tôm khó nhất là chọn nguồn giống tốt
Phú Thịnh Hội quán có 49 thành viên là những người chung nghề nuôi thủy sản. Sau khi thành lập, Hội quán đã bầu ra Ban chủ nhiệm gồm 9 thành viên, do ông Lâm Quốc Bình làm chủ nhiệm.
Anh Lê Hữu Tài, ở ấp Phú Lâm, xã Phú Thành B đã có nhiều năm trong nghề nuôi tôm cho biết, cái khó nhất là chọn nguồn tôm giống tốt, kế đến là chi phí đầu tư nuôi rất cao và cuối cùng là đầu ra của sản phẩm…. Sau thu hoạch còn phải tìm thương lái để bán rất vất vả, cực nhọc mà có khi còn bị ép giá nữa. Do vậy, khi được vận động vào Phú Thịnh Hội quán, anh Tài đã tự nguyện đăng ký tham gia.
Anh Lê Văn Hồng ở xã Phú Lâm bày tỏ: “Vô Hội quán một tháng mình họp một lần, anh em trao đổi với nhau cách nuôi trồng thủy sản và tiêu thụ đạt yêu cầu. Ở đây truyền thống nuôi tôm, nếu để tự bán cho thương lái thì rất khó, vô Hội quán đầu ra cho con tôm rất tốt”. Còn anh Lâm Quốc Bình, Chủ nhiệm Phú Thịnh Hội quán cho biết: “Thực tế mấy năm nay, người nuôi tôm ở đây bị thương lái ép giá dữ lắm, mình không chủ động được giá bán. Thành lập Hội quán có lợi cho bà con nhiều thứ. Giải quyết từ con giống tốt tới nguồn thức ăn, thuốc phòng trị bệnh cho tôm, tới đầu ra sản phẩm. Khi Hội quán hoạt động sẽ có nhiều công ty, doanh nghiệp tìm tới ký liên kết làm ăn”.
Theo kế hoạch, mỗi tháng Phú Thịnh Hội quán sinh hoạt một lần để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quy trình nuôi thủy sản, nhất là nuôi tôm; tập huấn kỹ thuật nuôi, chọn con giống đạt chất lượng; hướng dẫn xử lý nước, sử dụng thuốc và các chế phẩm sinh học; thông tin thị trường, đánh giá hiệu quả vụ nuôi; hội thảo liên kết công ty, doanh nghiệp cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm.
Ông Trần Văn Sang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Thành B cho biết: “Ra mắt Phú Thịnh Hội quán sẽ giúp nông dân nuôi tôm tốt hơn, giúp địa phương thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn xã. Hội quán sẽ liên kết hộ nuôi cùng chung ý tưởng, chọn con giống, chăm sóc đi đến việc đầu ra sản phẩm sẽ được ổn định, bền vững, người nuôi có lãi cao”.
Phú Thịnh Hội quán là hội quán thứ 4 của huyện Tam Nông và thứ 76 của tỉnh Đồng Tháp; kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; chung tay, góp sức xây dựng nền nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản ở địa phương theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; cổ vũ, động viên và hỗ trợ các thành viên là nông dân trẻ khởi nghiệp và lập nghiệp; tìm kiếm và mang lại các quyền lợi vật chất, tinh thần cho thành viên Hội quán.
Trần Trọng Trung