(TSVN) – Nhờ sự hỗ trợ của địa phương và nhà khoa học, 19 nông dân ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã liên kết sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn quốc tế và họ đã thành công.
Những năm gần đây, nhu cầu cá lóc giống trên địa bàn tỉnh An Giang và một số tỉnh trong khu vực ĐBSCL tăng cao, nên nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Châu Phú nhanh nhạy, nắm bắt thời cơ chuyển một phần đất lúa sang đào hộc (ao nhỏ) nuôi cá lóc sinh sản. Tuy nhiên, do sản xuất theo kinh nghiệm và hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên mỗi cặp cá bố mẹ thường chỉ cho thu hoạch khoảng 3 – 5 kg cá lóc giống. Vì vậy, 19 nông dân ở xã Mỹ Phú đã liên kết với nhau thành tổ hợp tác mang tên Mỹ Quý để có điều kiện ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hiệu quả và mang tính bền vững.
Được thành lập vào cuối năm 2018 với 19 thành viên cùng 7 ha liền kề nhau, Tổ hợp tác Mỹ Quý đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện, đặc biệt là vai trò cố vấn kỹ thuật của TS. Lý Thị Thanh Loan – nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Phòng ngừa Dịch bệnh Thuỷ sản KV Nam bộ – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản II. Ông Nguyễn Trung An, một thành viên của Tổ hợp tác, cho biết: “Ngoài việc được tập huấn kỹ thuật, chúng tôi còn tạo được chuỗi liên kết nuôi cá lóc giống với quy trình kỹ thuật tiên tiến, đầu vào được kiểm soát nghiêm ngặt và đầu ra được bao tiêu với giá hợp lý”. Để có được nguồn cá bố mẹ tốt, tránh hiện tượng đồng huyết, cận huyết, các thành viên đã chọn mua từ nhiều nguồn, nhiều địa bàn khác nhau và phải có ngoại hình tốt, không dị tật, trọng lượng bình quân 0,7 – 1 kg/con.
Cá bố mẹ sau khi mua về tiếp tục được đưa vào vèo khung lưới đặt dưới ao thuần dưỡng thêm 5 – 7 ngày mới thả vào hộc nuôi. Ông Trần Văn Sáu, người đang sở hữu 100 hộc nuôi cá lóc giống, chia sẻ: “Từ giai đoạn ương giống đến khi xuất bán chỉ mất khoảng 45 ngày, nên mỗi năm có thể sản xuất 5 – 6 đợt cá bột. Trước đây, khi còn sản xuất theo kiểu truyền thống, mỗi cặp cá bố mẹ tôi chỉ thu hoạch được chừng 3 – 5 kg cá giống, còn từ khi vào Tổ hợp tác làm theo kỹ thuật mới, sản lượng cá giống thu hoạch tăng lên 7 – 10 kg đối với mỗi cặp cá bố mẹ và tỷ lệ thành công khoảng 80 – 90%. Với năng suất cá giống trên cùng với giá bán bình quân 100.000 – 180.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí mức lợi nhuận 70.000 – 80.000 đồng/kg”.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung An, 4 năm trước đây ông cũng từng nuôi cá lóc giống nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn, chỉ từ khi vào Tổ hợp tác, được tham gia học tập kinh nghiệm và tuân thủ đúng theo quy trình sản xuất GlobalGAP mới có được hiệu quả cao như mơ ước. Ông An chia sẻ: “Không chỉ riêng tôi mà các thành viên trong Tổ hợp tác cũng dần tiếp cận được khoa học kỹ thuật mới và bắt đầu thay đổi tư duy, cách thức sản xuất để hướng đến phương thức sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn, nhằm đạt hiệu quả cao và mang tính bền vững”.
Tuy thời gian thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, nhưng đã có nhiều tổ chức liên hệ để tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm với Tổ hợp tác Mỹ Quý. Đơn cử như tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm sạch chuyên cung cấp cho các siêu thị, cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn đã ký kết hợp đồng tiêu thụ cá lóc giống đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Tổ hợp tác. Ngoài ra, Tổ hợp tác còn cung cấp nguồn giống về một số tỉnh trong khu vực, như: Trà Vinh, Bạc Liêu… và đang tiếp tục tìm kiếm thêm đầu ra để mở rộng thị trường cũng như nâng cao năng lực sản xuất.
Ông Nguyễn Trung An cho biết thêm: “Hiện nay, năng lực sản xuất của Tổ hợp tác đã gần 100 tấn cá giống mỗi năm và vẫn còn khả năng nâng cao hơn nữa. Vì vậy, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với chúng tôi là rất quan trọng, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, uy tín cá giống khi cung ứng cho khách hàng”.
Xuân Trường