Việc liên kết “4 nhà” trong nuôi tôm ngày càng cần tính thiết thực hơn. Bởi, chỉ cần một mắt xích bị “trật”, cả chuỗi sản xuất sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều việc phải bàn.
Lỏng lẻo với nhà khoa học
Nuôi trồng không theo tiêu chí khoa học sẽ dẫn tới phản ứng xấu trên thị trường. Đơn cử, 4 tháng đầu năm 2015, tôm Việt Nam bị các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản cảnh báo chất cấm và trả về 36 lô, bằng gần 40% năm ngoái (92 lô).
Như ông Chu Văn An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, nói với báo chí, trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt, doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao. Trong đó, sản xuất sản phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học được xem là bước đột phá để đưa giá trị sản phẩm tôm tăng cao và xâm nhập sâu vào những thị trường lớn.
Giới chuyên môn ước tính, một thập kỷ qua, các phát kiến khoa học kỹ thuật đã giúp tăng 30% tổng sản lượng ngành nông nghiệp, song với ngành tôm Việt Nam, năng suất nhiều năm qua không được cải thiện là bao; công nghiệp chế biến vẫn chủ yếu phục vụ xuất khẩu thô.
Theo thời gian đã dần hình thành những công ty, doanh nghiệp chuyên làm dịch vụ khoa học kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cuộc sống mà nhiều nhất có lẽ là các công ty liên quan sản phẩm vi sinh, nhưng đặc điểm chính của các nhà khoa học này là vốn ít, sản phẩm cũng hạn chế. Một số doanh nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học cũng được chú ý, chẳng hạn một số công ty chuyển giao mô hình siêu thâm canh tôm trong nhà lưới, nhà kính; song vấn đề tăng năng suất và chất lượng tôm vẫn rất cần tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm để tăng năng suất, chất lượng là việc làm cần thiết – Ảnh: Phan Thanh
Cần rõ hơn vai trò nhà nước
Không thể phủ nhận vai trò của nhà nước trong các mô hình liên kết “4 nhà” thời gian qua; chẳng hạn, trong mô hình mô hình liên kết “4 nhà” trong thực hiện cánh đồng mẫu lớn lúa – tôm tại Cà Mau, cán bộ khuyến nông – khuyến ngư trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, giúp năng suất đạt trên 300 kg/ha/vụ, tăng 50 – 70 kg/ha so với nuôi bên ngoài; hay việc Nhà nước tích cực hỗ trợ người dân sản xuất lúa – tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại Cà Mau (Tỉnh này phấn đấu 1.000 ha lúa – tôm đạt chuẩn VietGAP trong năm 2015 và 10.000 ha vào năm 2020).
Song, người dân và các chuyên gia cho rằng vai trò của nhà nước cần thể hiện rõ hơn trên hai lĩnh vực: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh vai trò quản lý nhà nước về chất lượng (giống, thức ăn, chế biến). Những vùng sản xuất tôm sú uy tín và truyền thống như Cà Mau có cần xây dựng thương hiệu tôm sú Cà Mau như thương hiệu nước mắm Phú Quốc? Một số doanh nghiệp ở đây than phiền rằng không ít doanh nghiệp Cà Mau nhưng lại mua nguyên liệu từ tỉnh khác “mạo danh” tôm Cà Mau để bán, khiến người dân mất đi niềm tự hào địa phương của họ. Hay như ở Bạc Liêu có khoảng 400 cơ sở sản xuất và ương tôm giống, nhưng lượng doanh nghiệp sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%. Vậy vai trò nhà nước ra sao, khi tình trạng tôm giống không đảm bảo chất lượng vẫn trôi nổi trên thị trường?
Nếu có quy hoạch tốt, tạo được môi trường sản xuất kinh doanh tốt, ngành tôm phát triển thì nguồn thu của địa phương cũng được cải thiện đáng kể, vậy tại sao các cơ quan chức năng không mạnh tay hơn nữa trong việc bảo vệ doanh nghiệp và quyền lợi người dân trước những kẻ trục lợi? Tổng cục Thủy sản cũng đánh giá: Tôm thẻ chân trắng bố mẹ hiện nay nhập khẩu 100% từ nhiều nước, chất lượng có lô tốt lô xấu; không ai biết được nguồn gốc từ dòng tôm nào (!)
Doanh nghiệp và nông dân chưa cùng “hướng”
Một số chủ doanh nghiệp nhìn nhận, mối quan hệ giữa doanh nghiệp hiện nay với nông dân chẳng khác trạng và chúa trong truyện cổ nọ. Trạng là dân, chúa là doanh nghiệp; trạng chết chúa cũng băng hà.
Cả nước hiện có hơn 300 cơ sở chế biến thủy sản có sản phẩm chủ lực là tôm nước lợ. ĐBSCL có khoảng 596.000 ha nuôi tôm, chiếm gần 91% diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước, diện tích tôm sú hơn 580.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL hiện nay 431.570 tấn/năm, mới đáp ứng được 60 – 70% công suất thiết kế của các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở đây, nhưng rất ít doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp tôm nguyên liệu với nông dân; đây là một hiện tượng bất thường.
Đầu ra sản phẩm của nông dân luôn bấp bênh, trong khi nguồn nguyên liệu của nhà máy thường trong tình trạng ăn đong. Một chuyên gia Pháp thắc mắc: “Vì sao người Việt Nam ít khi san sẻ cùng nhau quyền và lợi ích chung; dường như ai cũng muốn giành phần lợi về mình nhiều hơn”.
Thương lái – câu chuyện dài
Câu chuyện liên kết “4 nhà” trong ngành tôm là một bước đột phá, bởi trước đây phần nhiều mối quan hệ giữa sản xuất, tiêu thụ chế biến là qua thương lái.
Mặc dù nền kinh tế được điều hành qua pháp luật nhưng vẫn tồn tại một tầng lớp thương lái, chủ vựa đi thu gom tôm nguyên liệu từ nhiều nguồn, phân chia, trộn lẫn với nhau rồi cung cấp cho các nhà máy. Những thương lái này phần nhiều không có kiến thức chuyên môn, thậm chí không thành lập doanh nghiệp, không đăng ký kinh doanh. Thời gian gần đây, ngoài các thương lái Việt Nam còn xuất hiện nhiều thương lái nước ngoài. Đầu năm 2015 giá tôm rớt thảm, người dân “treo” ao; các nhà máy cho rằng giá tôm hạ do thương lái mua rẻ của nông dân. Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, thương lái thao túng giá cả ngành tôm, nhưng giải pháp với thương lái thế nào vẫn chưa rõ?
>> Một dự thảo đề án của ngành đã đặt vấn đề: Các doanh nghiệp chế biến tôm, nếu muốn tiếp tục sản xuất kinh doanh phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất và phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. |