(TSVN) – Mô hình này góp phần mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân đang có ý định chuyển đổi từ cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang những loại mang giá trị kinh tế cao hơn. Điển hình là trại lươn giống Thiên Phú của anh Nguyễn Đăng Thuyết, ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An.
Vài năm trước, anh Thuyết có đi học hỏi và thử nghiệm với mô hình nuôi lươn không bùn công nghệ cao theo hình thức tuần hoàn nước khép kín. Theo đó, anh bắt đầu tận dụng diện tích trống sau vườn để xây dựng các hồ nuôi lươn; đồng thời, đầu tư máy bơm nước công suất lớn, bồn chứa nước và hệ thống lọc. Riêng về kỹ thuật nuôi, anh nghiên cứu bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cho thức ăn thay vì chỉ mua thức ăn được chế biến sẵn.
Theo anh Thuyết: Hệ thống tuần hoàn khép kín sẽ làm cho môi trường nuôi lươn ổn định, hạn chế được mầm bệnh bên ngoài và giảm công chăm sóc. Bình quân 100 m2 có thể nuôi được 10.000 con lươn. Lươn nuôi từ 9 – 10 tháng xuất bán với giá dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trên 100 triệu đồng.
Gần đây, anh Thuyết thiết kế 20 m2 để ương lươn bột thành lươn giống bằng hệ thống nước tuần hoàn khép kín. Đến nay, hàng tháng anh Thuyết bán ra thị trường 100.000 con lươn giống, với giá bán 7.000 đồng/con. “Uơng lươn giống và nuôi lươn thương phẩm không mất nhiều thời gian; ở thành phố cũng nuôi được vì không chiếm nhiều diện tích, công chăm sóc. Người nuôi chỉ cần dành khoảng 1 giờ/ngày cho 100 m2 lươn thương phẩm từ việc cho ăn đến vệ sinh chuồng trại” – anh Thuyết cho biết.
Hiện nay, anh Thuyết đang nuôi thử nghiệm 150 cặp lươn giống bố mẹ để tự tạo nguồn lươn bột thay vì phải mua từ các trại giống khác.