T2, 06/07/2020 11:55

Luân canh tôm sú – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

Diện tích nuôi luân canh tôm lúa toàn vùng ĐBSCL hiện khoảng 160.000 ha, tập trung nhiều nhất tại tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu. Đây là mô hình sản xuất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu và độ mặn xâm nhập vào sâu trong nội địa.

Thiết kế công trình nuôi

Thiết kế ao lắng và ao ương, mỗi ao chiếm 15 – 20% diện tích ruộng nuôi. Ao nuôi được thiết kế có mương bao quanh, diện tích khoảng 25 – 30% diện tích nuôi. Độ sâu mực nước mương bao 1,2 – 1,5 m, trên mặt trảng ruộng lúa 0,7 m. Ruộng nuôi cần bố trí 1 – 2 cống cấp và thoát nước đảm bảo cấp, thoát nước kịp thời.

Bờ ao được gia cố chắc chắn để chống thất thoát nước.

 

Chuẩn bị ruộng nuôi

Mùa vụ thả tôm từ tháng 2 – 8 trong năm, mùa vụ trồng lúa từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau.

Sau khi thu hoạch lúa xong, cắt bỏ, dọn sạch cây cỏ, gốc rạ, phơi ruộng 5 – 7 ngày và và gia cố lại bờ ruộng.

Sên vét bùn đáy ở mương bao, sau đó lấy nước vào ruộng ngâm 2 – 3 ngày rồi tháo cạn, tiếp tục lặp đi lặp lại 2 – 3 lần, sau đó xổ ra để thải bỏ tạp chất.

Tùy theo độ pH đất mà bón vôi với lượng phù hợp theo bảng:

Nước cấp vào ao lắng qua túi lọc bằng vải 2 lớp, mực nước 1,2 – 1,5 m. Sau 3 – 4 ngày diệt khuẩn nước bằng BKC, Iodine… sau đó mới cấp nước vào ao ương hay ruộng nuôi. Sau 3 – 5 ngày, tiến hành gây màu nước bằng một trong cách dùng hỗn hợp cám mịn và bột đậu nành với tỷ lệ 1:1, nấu rồi ủ qua đêm, bón xuống ruộng nuôi, liều lượng 3 – 5 kg/1.000 m3 hoặc sử dụng hỗn hợp phân urê trộn với phân NPK hoặc DAP với tỷ lệ 1:2 để gây màu nước cho ao nuôi với lượng 1 – 3 kg/1.000 m3, tạt vào lúc 8 – 10 giờ sáng. Sau 2 – 3 ngày, khi độ trong đạt 30 – 35 cm, nước có màu xanh vỏ đậu, màu trà nhạt tiến hành thả giống.

 

Kỹ thuật ương nuôi

Tôm giống đưa vào ương là tôm Post 15, đảm bảo chất lượng, kích cỡ 1,2 – 1,5 cm. Mật độ ương 20 – 30 con/m2, thả giống vào lúc trời mát. Trong quá trình ương sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 35 – 40%. Thời gian ương 40 – 45 ngày, sau đó mới đưa sang ruộng nuôi. Mật độ nuôi 5 – 10 con/m2.

Trong tháng nuôi đầu tiên cho tôm ăn với lượng 1 – 1,3 kg/100.000 tôm giống. Sang tuần thứ 2 tăng 200 g/100.000 con, tuần thứ 3 tăng 300 g/100.000 con, tuần thứ 4 tăng 400 g/100.000 con. Sang tháng nuôi thứ 2, lượng thức ăn cho tôm được xác định theo khẩu phần ăn dựa trên tỷ lệ sống và trọng lượng tôm kết hợp với sử dụng sàng ăn để điều chỉnh cho hợp lý.

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra bờ bao, cống… để tránh thất thoát nước, tôm nuôi. Kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi để kịp thời điều chỉnh.

Duy trì mực nước trên mặt trảng ruộng ổn định ở mức 0,7 m. Trong tháng đầu tiên cấp bù lượng nước bốc hơi. Từ tháng nuôi thứ 2 định kỳ thay nước, với lượng 10 – 30%/lần. Định kỳ 7 ngày/lần bón vôi và vi sinh, để ổn định pH và chất lượng nước.

Hữu Văn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!