(TSVN) – Từ niềm hân hoan khi có tên trong danh sách được hỗ trợ vay vốn ưu đãi đóng tàu vỏ thép, nhiều ngư dân hiện đang đổ nợ vì con tàu tiền tỷ khi những chuyến biển liên tục thua lỗ, nợ nần chồng chất.
Ngày 22/8/2016, ngư dân Nguyễn Văn Lý (SN 1963) ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) nhận bàn giao chiếc tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ mang số hiệu BĐ 99004 TS (811 CV) từ đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Cùng ngày, chiếc tàu vỏ thép nói trên của ông Lý được hạ thủy và chạy về quê. Cứ ngỡ cuộc đời “ăn đằng sóng, nói đằng gió” của mình sẽ được đổi thay tích cực sau khi sở hữu con tàu hiện đại. Thế nhưng kỳ vọng của ông Lý đặt vào con tàu đã lập tức tắt ngấm khi mới bắt đầu hoạt động.
Ông Lý kể: “Đóng xong chiếc tàu cá vỏ thép tui còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng, nhưng hồi ấy số nợ không làm tui sợ chút nào, vì cứ nghĩ với con tàu hiện đại tui sẽ làm ăn khấm khá hơn và chuyện trả nợ ngân hàng là nằm trong tầm tay. Nào ngờ khi vừa hoạt động tàu đã hư hỏng liên tục, 4 chuyến biển đầu tiên tui bị lỗ gần 500 triệu đồng. Làm ăn không ra sao đã đành, vừa đóng xong mà con tàu đã gỉ sét hết phần vỏ thép, phải nằm bờ dài ngày tại cảng cá Đề Gi”. Trường hợp của ông Lý chỉ là đơn cử toàn tỉnh Bình Định, trong số 62 tàu đóng mới theo Nghị định 67 có đến 20 chiếc lâm tình cảnh tương tự.
“Tàu 67” của ngư dân Phú Yên cũng chẳng khá gì hơn. Những con tàu này không lâm cảnh vừa đóng xong đã hỏng như ở Bình Định, nhưng qua thời gian hoạt động, theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, chỉ những tàu vỏ composite hành nghề lưới vây là hoạt động có lãi, những tàu vỏ gỗ và vỏ thép khác đều làm ăn thất bát, kết quả từ… lỗ đến hòa vốn.
Nhóm tàu vỏ thép làm nghề lưới chụp ở Phú Yên làm ăn còn thê thảm hơn, trong đó có 2 tàu từng được đánh giá là “chim đầu đàn” của nghề đánh bắt hải sản ở Phú Yên là tàu PY 99999 TS (800 CV) của ngư dân Ngô Văn Lanh ở P. Xuân Thành, thị xã Sông Cầu và tàu PY 99991 TS (829 CV) của ngư dân Phan Thanh Trị ở P. Phú Đông, TP Tuy Hòa hiện đã bị ngân hàng cho bán đấu giá để thu hồi nợ.
Ở Bình Định, tính đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho 62 chủ tàu vay tổng cộng 921 tỷ đồng để đóng mới hoặc nâng cấp 48 tàu cá vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu vỏ composite. Tính đến hết tháng 3/2020, tổng dư nợ các ngân hàng cho vay là 865 tỷ đồng, trong đó có 48 chủ tàu cá đóng theo Nghị định 67 nợ quá hạn 266 tỷ đồng, 126 tỷ đồng là tiền gốc và 140 tỷ đồng là tiền lãi.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, chúng tôi được nhiều chủ “tàu 67” ở Bình Định bộc bạch là trong tình cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay thì họ khó có khả năng trả nợ cho ngân hàng. Theo ngư dân, trong thời gian qua chuyện làm ăn quá khó khăn nên họ trở thành “con nợ xấu”. Suốt 2 năm nay “biển rất vắng cá”, đến khi đánh bắt đạt sản lượng thì sản phẩm bị mất một nửa giá, chuyến biển nào may mắn lắm là hòa vốn, còn lại hầu hết đều lỗ. Thêm vào đó, nhiều tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng đơn vị bán bảo hiểm không bán trở lại, do đó các chủ tàu không thể cho tàu ra khơi đánh bắt nên không có thu nhập.
Vì nợ quá hạn, nợ xấu nên ngân hàng phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Trị, nếu thu hồi tài sản hình thành từ vốn vay là tàu cá của ngư dân thì bà con sẽ không có việc làm, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất trên biển.
Vũ Đình Thung