Lưu ý luân canh tôm càng xanh – lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Mô hình lúa – tôm càng xanh phát triển mang tính bền vững cho ra những sản phẩm sạch. Trong quá trình chăm sóc và quản lý, bà con nuôi tôm cần lưu ý một số vấn đề.

Chăm sóc sức khỏe tôm nuôi

Thời vụ thả giống tôm càng xanh từ tháng 6-7 âm lịch hàng năm, nên thả mật độ từ 0,5-1 con/m2 đối với mô hình không có bổ sung thức ăn và 2-3 con/m2 đối với mô hình có bổ sung thức ăn.

Đối với mô hình tôm càng xanh thả thẳng, bà con nên thả giống trước khoảng 30 ngày trước khi tiến hành sạ, cấy lúa. Thả giống trong ao vèo mật độ từ 25-30 con/m2 khoảng 15 ngày trước khi sạ hoặc cấy. Khi tôm được 30 ngày và lúa được khoảng 15 ngày thì cho ra ruộng nuôi. Khi ương tôm càng xanh trong ao vèo, nên bổ sung thêm thức ăn khoảng 10% trọng lượng thân, cho ăn 2 lần/ngày, có thể tận dụng từ nguồn thức ăn có sẵn như ốc bươu vàng, cám gạo…

Thường xuyên gia cố bờ bao cống. Mực nước tối thiểu của mương nuôi 0,8-1m. Theo dõi các yếu tố môi trường như: pH, độ mặn, kiềm… (pH 7-8; kiềm >= 60mg/l; độ mặn < 10‰ đối với khi thu hoạch lúa và 3‰ khi đang còn lúa).

Định kỳ hàng tháng thay nước khoảng 10% ruộng nuôi để kích thích tôm lột xác và bổ sung nước cho ruộng nuôi. Bón vôi CaCO3, Dolomite xung quanh mương nuôi (20-30 kg/ha) khoảng từ 10-15 ngày để ổn định môi trường nước.

Cần bó trà thành bó đặt xung quanh để tạo nơi trú ẩn cho tôm.

Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Khi sử dụng thuốc trừ sâu phải tháo cạn từ 2-3 ngày để cho tôm rút hết xuống mương nuôi, sau 7-10 ngày tiến hành cấp nước trở lại ruộng nuôi để tôm lên ruộng nuôi.

Nên sạ thưa, sạ hàng hay cấy nhằm tạo không gian để cho tôm hoạt động.

Mô hình lúa – tôm càng xanh đem lại hiệu quả cao       Ảnh: Thanh Ngân

 

Một số vấn đề cần lưu ý

– Không nên thả cua chung với tôm càng xanh vì 2 loài này đều có tập tính rất hung dữ, thường ăn thịt lẫn nhau khi lột xác hay những con có kích cỡ lớn hơn thường ăn con nhỏ hơn.

– Cần thả trà xung quanh mương để tạo nơi trú ẩn cho tôm khi lột xác hạn chế ăn thịt lẫn nhau.

– Trong giai đoạn đầu thả nuôi bà con phải gây màu nước và duy trì khoảng 1 tháng đầu để tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, và bổ sung một phần thức ăn cho tôm.

– Khi thu hoạch lúa xong ta tiến hành nâng mực nước lên khoảng từ 0,5m. Giai đoạn này, nếu kiểm tra thấy tôm nhỏ, tôm mang trứng nhiều, bà con cần kiểm tra độ mặn trong ruộng nuôi và độ mặn trên sông. Nếu độ mặn trên sông cao ta tiến hành cấp nước vào ruộng nuôi đạt độ mặn từ 7-8‰ nhằm mục đích cho tôm cái rụng trứng và kích thích tôm lột xác đồng thời cho tôm lên ruộng nuôi ăn những nguyên sinh động vật và lúa rụng và kết hợp với bổ sung thức ăn để cho tôm tăng trưởng nhanh, sẽ hạn chế được tỉ lệ tôm cái thành thục sớm và cải thiện được kích cỡ tôm nuôi cũng như tăng trọng lượng khi thu hoạch.

>> Tôm càng xanh nuôi trên ruộng lúa thường ít xảy ra bệnh. Nếu bị bệnh thường thì rất khó trị, do đó, công tác phòng bệnh được đặt ra hàng đầu: cần lựa chọ nguồn giống tốt, chất lượng; tạo môi trường sống thích hợp cho tôm nuôi.

KS. Quốc Công

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!