Lưu ý tuyển chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Từ rằm tháng 8 âm lịch trở đi là thời điểm bắt đầu kết thúc mùa vụ sản xuất cá giống nước ngọt ở miền Bắc và chuẩn bị nguồn cá bố mẹ phục vụ cho năm sau. Vì vậy, khâu tuyển chọn, đánh giá lại đàn cá bố mẹ và chuẩn bị cơ sở nuôi vỗ là khâu rất quan trọng.

Đánh giá, tuyển chọn cá bố mẹ

Sau mỗi vụ sinh sản cần sàng lọc đánh giá lại đàn cá bố mẹ bằng cách tát cạn ao và phân loại cá bố mẹ, các giống cá, cỡ cá để đưa sang ao nuôi cho phù hợp.

– Trong ao nuôi cá bố mẹ sinh sản nếu có nhiều loài cá tạp sẽ cạnh tranh thức ăn và môi trường ao nuôi vỗ, vì vậy cần loại bỏ những con cá này khỏi ao nuôi vỗ.

– Phân loại cá bố mẹ vào từng ao nuôi vừa đảm bảo số lượng và chất lượng: ao nuôi vỗ có thể gồm cá mè hoa để ăn thức ăn nổi như rong, tảo, cá trắm, cá chép ăn thức ăn tầng giữa và tầng đáy.

– Một số loài cá bố mẹ như cá rô phi, cá chim trắng… chịu rét kém hơn những loại cá khác nên nuôi chung 1 ao để có biện pháp chống rét cho cá. Hai loài cá này có phổ thức ăn khá giống nhau nên việc nuôi chung là rất thuận lợi.

– Không nên nuôi cá chép đực và cái chung 1 ao vì cá chép dễ đẻ tự nhiên nên khó quản lý được cá bố mẹ và con giống.

– Ao nuôi vỗ nên chọn nơi yên tĩnh, tránh hướng gió to, xung quanh bờ nên có nhiều cây bóng mát.

Sau mỗi vụ sinh sản cần sàng lọc, đánh giá lại đàn cá bố mẹ            Ảnh: Thanh Ngân

 

Chuẩn bị ao nuôi vỗ

Giai đoạn này là thời kỳ nuôi vỗ tích cực nên việc chuẩn bị ao là một trong những điều kiện quan trọng và quyết định nhiều đến năng suất sinh sản cho vụ sau nên cần chú ý:

– Ao được vét sạch bùn, có thể nạo vét hoặc tôn cao thêm bờ để có thể cấp nước cao hơn (mực nước từ 1,2- 1,5m là tốt nhất).

– Ao nuôi vỗ phải bố trí nguồn nước cấp vào và ra thuận lợi để có thể kích thích nước cho cá chóng phát dục. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là đối với cá trắm cỏ vì cá trắm cỏ thường vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 mới có thể sinh sản nhưng nếu được nuôi vỗ tốt và kích thích nước, cá trắm cỏ sẽ thành thục và sinh sản sớm hơn.

– Bón vôi cho ao vừa có tác dụng khử trùng và ổn định pH trong ao. Dùng vôi nung CaO hoặc vôi tôi Ca (OH)2  với lượng 12-15kg/100m2 ao.

– Bón phân chuồng và phân xanh đã được ủ kỹ và khử trùng bằng vôi để gây màu nước và tạo nguồn thức ăn tự nhiên với lượng 20-30 kg/100m2 ao bón phân cùng với bón vôi.

– Với ao nuôi vỗ cá rô phi nên chọn đáy ao là đất thịt pha cát ít bùn vì cá rô phi có tập tính làm tổ trước khi đẻ trứng.    

>> Trong sinh sản nhân tạo cá nước ngọt giai đoạn nuôi vỗ này được gọi là nuôi vỗ tích cực. Thời gian nuôi vỗ thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Đây là giai đoạn cá tích lũy vật chất dinh dưỡng mạnh nhất để phục vụ cho sự thành thục sinh sản nên phải chú ý cho cá ăn đầy đủ cả về lượng và chất.

 

Nhịp cầu nhà nông

Anh Châu Ngọc Tòng (huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) hỏi: Thời tiết đầu mùa mưa thì cho tôm ăn như thế nào để tôm khỏe?

Trả lời:

Khi trời nắng hoặc mưa thất thường, dẫn đến hiện tượng tảo tàn, làm cho ao tôm tăng lượng khí độc hại, tôm dễ bị thiếu oxy và thường hay nổi đầu vào ban đêm, tôm ăn yếu. Trường hợp mưa dầm kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức ăn của tôm. Để điều chỉnh lượng thức ăn của tôm thì ta cần kiểm tra chặt thức ăn bỏ vào sàn cho tôm ăn. Những ngày có mưa dầm kéo dài, nên giảm lượng thức ăn xuống còn 60-70% so với bình thường. Khi tôm có hiện tượng nổi đầu, giảm xuống còn 50%. Khi trời sáng và tôm hết nổi đầu thì cho tôm ăn lại khoảng 80%. Cho ăn bình thường trở lại sau 1 ngày khi môi trường nuôi và thời tiết ổn định.

            Quốc Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!