(TSVN) – Bất chấp khó khăn chung của thị trường tôm toàn cầu, một số quốc gia sản xuất tôm ở châu Á vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và xuất khẩu, cùng nhiều kỳ vọng phục hồi nhẹ vào đầu năm sau.
Lượng nhập khẩu tôm bố mẹ giảm rõ rệt, nhiều trại nuôi tôm chán nản treo ao, nhưng xuất khẩu tôm Ấn Độ vẫn ghi dấu thành công trong năm 2023. Khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ trong 3 quý đầu năm 2023 tăng 2% so cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến xuất khẩu tôm của Ấn Độ cả năm 2023 chỉ giảm 1% so năm kỷ lục 2021. Xuất khẩu tôm trong quý I/2023 đã tăng 16% so cùng kỳ, tới quý II giảm 11% và tăng trở lại 6% vào quý III. Khối lượng tôm xuất khẩu trong tháng 7 giảm 14% so năm 2022, nhưng tăng 17% trong tháng 8 và 19% trong tháng 9. Trong hai tháng qua, khối lượng xuất khẩu tôm của Ấn Độ còn vượt lượng xuất khẩu cùng kỳ 2021, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa quý III/2021 và quý III/2023.
Nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến sự bật tăng của giá tôm toàn cầu khi nguồn cung sụt giảm. Ảnh: Altairexports
Ba sản phẩm tôm xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ gồm tôm thẻ chân trắng (TTCT), tôm sú và tôm giá trị gia tăng. Trong đó, TTCT nguyên liệu chiếm 86% tổng khối lượng tôm xuất khẩu trong năm 2023. Lượng xuất khẩu TTCT nguyên liệu tăng 20% trong quý I, giảm 12% vào quý II và tăng 5% trở lại vào quý III. Trong khi đó, tôm sú chỉ chiếm tỷ trọng 5% trong cơ cấu mặt hàng tôm xuất khẩu, nhưng khối lượng xuất khẩu trong quý I tăng vọt 161% và 55% vào quý III. Tính cả năm, xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ tăng 91%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm giá trị gia tăng, một lĩnh vực không phải thế mạnh của Ấn Độ lại liên tục sụt giảm trong 3 quý đầu năm, lần lượt 17%, 14% và 3%.
Tuy nhiên, do giá tôm toàn cầu giảm nên trị giá xuất khẩu tôm Ấn Độ trong 3 quý đầu năm giảm 13%, còn 3,7 tỷ USD. Giá xuất khẩu tôm sang hai thị trường chủ lực của Ấn Độ là Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được cải thiện. Tới tháng 9, giá tôm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ, báo hiệu sự phục hồi tạm thời. Xuất khẩu tôm sú của Ấn Độ năm 2023 tăng gần gấp đôi lên 22.315 tấn. Trước đó, năm 2021 – 2022, tôm sú chủ yếu được xuất khẩu sang châu Âu, nhưng năm nay, thị trường châu Á và Trung Quốc cũng tiêu thụ một lượng lớn mặt hàng này.
Với sản lượng khoảng 125.000 tấn năm 2022, Thái Lan và Trung Quốc vẫn là các nước xuất khẩu tôm lớn thứ năm và thứ sáu thế giới. Khối lượng xuất khẩu tôm của Thái Lan duy trì ổn định 125.000 tấn từ năm 2018. Trong đó, lượng TTCT xuất khẩu vào năm 2022 đạt khoảng 110.000 tấn, còn lại là tôm sú và tôm càng xanh.
Tỷ trọng tôm nguyên liệu và tôm giá trị gia tăng trong cơ cấu ngành hàng tôm xuất khẩu của Thái Lan khá cân bằng ở mức 50:50. Tới nay, Thái Lan vẫn duy trì nhập khẩu tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trước năm 2010, nước này chủ yếu mua tôm từ Indonesia, sau đó tới Argentina. Từ năm 2016, lượng tôm nhập khẩu từ Argentina tăng dần và dao động 5.000 – 8.500 tấn. Năm 2018, lượng tôm nhập khẩu từ Ecuador vào Thái Lan tăng và đạt đỉnh 14.128 tấn vào năm 2021 trước khi giảm xuống 7.850 tấn vào năm 2022.
Thị phần tôm Thái Lan ở Mỹ, Nhật Bản và Canada bắt đầu bị thu hẹp từ năm 2012; nhưng nhiều thị trường mới lại mở ra gồm Trung Quốc và Đài Loan. Năm 2022, tôm Thái Lan tập trung tấn công 5 thị trường hàng đầu gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và Hàn Quốc. Đáng tiếc, nhóm mặt hàng tôm giá trị gia tăng của Thái Lan đã để tuột mất thị trường Anh và Canada, mặc dù vẫn giữ chân được thị trường Mỹ và Nhật Bản. Xuất khẩu tôm trong 3 quý đầu năm của Thái Lan đạt 84.055 tấn, giảm 12% so cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh dư cung hiện nay, tổng khối lượng xuất khẩu tôm cả năm 2023 của Thái Lan ước đạt 110.000 – 115.000 tấn.
Cũng giống Thái Lan, xuất khẩu tôm của Trung Quốc giảm từ mức đỉnh 300.000 tấn năm 2011 xuống 125.00 tấn vào năm 2022. Nhưng trái ngược với Thái Lan, xuất khẩu tôm nguyên liệu của Trung Quốc giảm trong khi tôm giá trị gia tăng vẫn tương đối ổn định, đặc biệt tại các thị trường Malaysia, Mexico, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản. Trong khi đó, xuất khẩu tôm nguyên liệu từ Trung Quốc lại giảm mạnh trong năm 2022 và khó có khả năng phục hồi vào năm 2023. Phần lớn tôm nguyên liệu xuất khẩu từ Trung Quốc là tôm tự nhiên và tôm biển PUD với đích đến chủ yếu là thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Mỹ, Bồ Đào Nha.
Theo Willem van der Pijl, người sáng lập Shrimp Insights, rất khó dự đoán chính xác diễn biến thị trường tôm trong vài tháng tới. Nếu dựa theo điều kiện thời tiết và giá cả hiện nay, có thể thấy tốc độ xuất khẩu tôm sẽ chậm lại. Nhưng nhiều yếu tố khác gồm các thương vụ hợp nhất và cạnh tranh để duy trì hoặc mở rộng thị phần có thể tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng khối lượng xuất khẩu tôm thời gian tới.
Một đợt El Nino mới đang rình rập và đe dọa ngành tôm thế giới, đặc biệt là Mỹ Latinh, trong đó có Ecuador. Các trại tôm của Ecuador có thể gặp rủi ro lũ lụt và ngập úng và làm gia tăng áp lực dịch bệnh cho Mỹ Latinh, cũng như châu Á. Tại châu Á, mùa đông đến cùng với El Nino sẽ khiến sản lượng tôm giảm mạnh trong quý IV/2023.
Dù nỗ lực ngược dòng, nhưng sản lượng tôm của Ấn Độ năm 2023 không thoát khỏi tình trạng sụt giảm ít nhất 10 – 15%. Thực tế, Ấn Độ đã giảm lượng nhập khẩu tôm bố mẹ trong năm 2023. Điều này dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu cho năm 2024 sẽ khó tăng trở lại.
Sau cùng, vấn đề mà nhiều người quan tâm nhất vẫn là giá tôm khi nào phục hồi trở lại. Nhiều chuyên gia vẫn kỳ vọng năm 2024 sẽ chứng kiến sự bật tăng của giá tôm toàn cầu khi nguồn cung sụt giảm. Tuy nhiên, theo Shrimp Insights dự báo, giá tôm khó có khả năng phục hồi mạnh dù tốc độ giảm giá đã chậm lại so với năm 2022.
Mặc dù, các nước phương Tây đã bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm nhưng giá tôm chưa có dấu hiệu bật tăng trong khi nguồn cung vẫn dư thừa. Trong ngắn hạn, Willem kỳ vọng khối lượng xuất khẩu tôm sẽ duy trì ổn định ở mức trung bình hoặc có thể cải thiện đôi chút vào đầu năm sau.
Đan Linh
(Tổng hợp)