Mâu thuẫn giữa người trồng lúa và nuôi tôm tại một số vùng của tỉnh Kiên Giang kéo dài nhiều năm qua. Điển hình ở huyện Vĩnh Thuận, nơi có 36.000 ha đất nông nghiệp, người dân đang kiện UBND huyện ra toà.
Dân kiện UBND huyện
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, đại diện cho 7 hộ dân có tổng cộng 38 ha lúa ở ấp Kinh Ba, xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thuận, Kiên Giang), cho biết: “Chúng tôi đang kiện Quyết định số 1388 ngày 12-6-2012 của UBND huyện ra tòa, vì quyết định này vi phạm Nghị định 42/2012 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, khi chuyển đổi mục đích sử dụng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. TAND huyện Vĩnh Thuận đã nhận đơn khởi kiện của chúng tôi ngày 28-8-2012”.
Cánh đồng ấp Kinh Ba vốn được ngọt hóa, làm lúa thuần thục hơn 30 năm trước. Năm 2003, UBND huyện Vĩnh Thuận quy hoạch, chuyển đổi từ đất chuyên lúa sang một tôm một lúa.
Một cánh đồng lúa bị nhiễm mặn do nuôi tôm cận kề, ở huyện An Biên, Kiên Giang – Ảnh: Hồng Lĩnh.
Cuối năm 2005, UBND huyện Vĩnh Thuận quyết định “thu hẹp đất nông nghiệp được quy hoạch nuôi một vụ tôm – trồng một vụ lúa, sang trồng hai vụ lúa, kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt”.
Mới đây, ngày 12-6, UBND huyện lại ra quyết định số 1388/QĐ-UBND “mở rộng quy hoạch nuôi một vụ tôm – trồng một vụ lúa ở xã Vĩnh Thuận”. Đây chính là quyết định đang bị kiện.
Ông Đặng Văn Thành, người trồng lúa trên cánh đồng ấp Kinh Ba, nói: “Chính quyền không quản lý được quy hoạch của chính mình đưa ra nên quy hoạch theo phong trào nuôi tôm. Dân nuôi tôm cũng phải được học kỹ thuật cơ bản, ở đây làm ào ào. Nhiều người chạy đua theo nuôi tôm rồi lâm vào cảnh nợ nần, bỏ xứ ra đi. Tôi dứt khoát không nuôi tôm, vì nó cũng siêu rủi ro”.
Chuyển đổi mô hình theo nghị quyết
Trao đổi với PV Tiền Phong quanh vụ mâu thuẫn lúa – tôm, ông Trịnh Tài Mon, Phó phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thuận, thừa nhận sự việc phức tạp, kéo dài. Huyện đã biết một số vùng nuôi tôm là tự phát và phá vỡ quy hoạch nhưng ngành chuyên môn và chính quyền quản lý không xuể. Có nơi dân lén đào ao nuôi tôm cả ban đêm.
“Chúng tôi động viên những hộ trồng lúa còn lại ở ấp Kinh Ba chuyển qua nuôi tôm vì đã có 80% hộ dân chuyển từ lúa hai vụ qua một tôm một lúa. Cứ tranh chấp như vậy hoài, người nuôi tôm bị ảnh hưởng”.
“Về hai quyết định trái ngược nhau, chuyển sang chuyên lúa năm 2005 và lại tôm – lúa năm 2012, chúng tôi sẽ kiểm tra lại quy trình, có thể do sơ suất. Lẽ ra phải hủy quyết định trước rồi mới ban hành quyết định sau. Tuy nhiên việc chuyển qua mô hình mới là phù hợp với thực tiễn”, ông Mon khẳng định.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận Mai Hoàng Khởi giải thích: Diện tích đất nông nghiệp huyện có 36.000 ha, đã có 20.300 ha một tôm một lúa, còn lại 9.000 ha chuyên lúa và đất trồng khác. Việc chuyển đổi qua mô hình lúa – tôm là một quá trình đã được thẩm định.
Do hiệu quả cao, con tôm được đưa vào nghị quyết của Huyện ủy và quyết định quy hoạch lúa-tôm là “theo nghị quyết”. Sắp tới sẽ tiếp tục phát triển thêm khoảng 4.000 ha lúa-tôm nữa.