MICRO, TIL (180, 300, 450A), TIL tạo vàng: Trọn bộ sản phẩm dành cho cá trê vàng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện tại, nhiều hộ dân ở khu vực các tỉnh ĐBSCL đã chuyển sang nuôi cá trê vàng trong ao đất sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp. Vì vậy, người nuôi cần nắm một số kỹ thuật cơ bản như khâu cải tạo ao, chọn con giống, quản lý, chăm sóc và đặc biệt là phải đảm bảo các vấn đề về dinh dưỡng cho cá trong quá trình nuôi.

Trong bối cảnh ngành NTTS có nhiều biến động như hiện nay, vấn đề người nuôi chủ động tìm hiểu, chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp để mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhất là đối với những hộ nuôi ít vốn, diện tích ao nhỏ không thích hợp để nuôi những loài cần phải đầu tư chi phí nuôi lớn như nuôi cá tra thương phẩm; thì việc chuyển sang nuôi cá trê vàng sẽ là một sự chọn lựa hợp lý.

Cá trê vàng là loài có hàm lượng dinh dưỡng như đạm, chất béo, chất khoáng rất cao, cá ít xương, thịt, mềm, thơm ngon. Tuy nhiên, do môi trường trong sản xuất nông nghiệp ngày càng ô nhiễm như thuốc bảo vệ thực vật, chất hữu cơ, cùng với việc đánh bắt cá ngoài tự nhiên bằng xung điện cũng như bằng thuốc ngày càng nhiều, nên nguồn cá trê vàng ngày càng cạn kiệt theo thời gian. Hiện nay, ở ĐBSCL người dân cũng đã chú trọng đến việc nuôi thương phẩm loài thủy sản này, với mong muốn tìm được đối tượng nuôi phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đặc điểm phân bố của cá trê

Trong những năm qua, cá trê vàng được nuôi khá phổ biến ở Thái Lan, Đài Loan, Ấn Độ, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam. Đối với họ cá trê hiện nay bao gồm nhiều loài phân bố ở châu Á, châu Âu và châu Phi như cá trê đen (Clarias fuscus) phân bố chính ở Taiwan, cá trê trắng (Clarias batrachus), trê phi (Clarias gariepinus), trê vàng (Clarias macrocephalus) và sau này có thêm trê lai (Hybrid catfish) là con lai giữa cá trê vàng cái và trê phi đực. Trong điều kiện ở Việt Nam, hiện đã và đang khai thác cho nhu cầu của người tiêu dùng gồm: cá trê trắng (1), cá trê phi (2), cá trê vàng (3) và cá trê lai (4).

Đặc điểm nhận dạng và phân biệt

Nhận dạng và đánh giá sự khác biệt của 4 loài cá trê trên có nhiều chỉ tiêu về hình thái để phân biệt, tuy nhiên có 5 đặc điểm hình thái dễ nhận biết nhất, có thể giúp phân biệt nhanh sự khác biệt giữa các loài cá trê đó là các đặc điểm về màu sắc cơ thể (1), hình dạng của thóp trán (2), xương chẩm (3), khoảng cách xương chẩm – vi lưng (4) và sau cùng là gai vi ngực (5).

Các loài cá trê nói chung đều có tính chịu đựng rất tốt với môi trường khắc nghiệt như: ao tù, mương rãnh có nhiều vật chất hữu cơ, những nơi có hàm lượng ôxy hòa tan trong khu vực thấp, thậm chí rất thấp do cơ thể cá trê có cơ quan hô hấp phụ là “hoa khế” giúp cá hô hấp, thực hiện các chức năng sinh lý khác được nhờ vào khí trời.

Đặc điểm dinh dưỡng

Cá trê là loài có tập tính thích ăn động vật. Thành phần thức ăn phát hiện chủ yếu trong dạ dày của cá chiếm đa số là các loài động vật cùng một số ít là mùn hữu cơ có trong nền đáy của các loại hình thủy vực nơi cá phân bố. Trong tự nhiên cá trê còn ăn được côn trùng, giun ốc, tôm cua, cá tạp các loại. Cá trê là loài rất háu ăn và thời gian tiêu hóa thức ăn rất nhanh, vì thế trong quá trình nuôi, để cá phát triển tốt, người sản xuất thường cho cá ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn hàng ngày cung cấp cho cá nuôi dao động từ 3 – 7% trọng lượng cá. Nhằm giúp cá tăng trưởng, phát triển tốt, thành phần thức ăn cung cấp phải có hàm lượng đạm tương đối cao, ít nhất phải từ 30 – 40%.

Dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của loài, bộ sản phẩm dành cho cá trê vàng từ giai đoạn ương giống đên nuôi thương phẩm bao gồm 3 sản phẩm chiến lược: Micro (dành cho giai đoạn ương giống), Til (180, 300 và Til 450A) và Til tạo vàng (sử dụng cho nuôi thương phẩm) được Skretting phát triển như giải pháp hữu hiệu, giúp cá hấp thu triệt để nguồn dinh dưỡng từ thức ăn, cải thiện hệ miễn dịch, giúp cá tăng trưởng khỏe mạnh, nhanh lớn, mang đến màu vàng tự nhiên cho cá và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng.

Micro: thức ăn cho cá trê giai đoạn ương giống

Thức ăn viên nổi Micro với hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối với mức đạm tối ưu từ 38 – 42%,  phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và khả năng tiêu hóa của cá trê giống, viên thức ăn nhiều kích cỡ giúp cá giống thích nghi nhanh với thức ăn công nghiệp, cá phát triển đồng đều khỏe mạnh trong suốt giai đoạn ương, công thức thức ăn chứa hàm lượng protein dễ tiêu hóa và các amino acids thiết yếu, giúp cá giống lớn nhanh với hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, đặt biệt thức ăn Micro 0 còn giúp tạo được nguồn thức ăn tự nhiên phong phú cung cấp cho cá bột ở giai đoạn đầu.

Sản phẩm Til và Til tạo vàng: thức ăn cho cá trê nuôi thương phẩm

Thức ăn chất lượng cao với công thức hoàn thiện, đặc biệt thích hợp cho cá trê nuôi ở mật độ cao với hàm lượng dinh dưỡng cân đối, giúp cá bắt mồi nhanh, mạnh, phát triển đồng đều với ngoại hình đẹp, cơ thịt săn chắc và màu sắc vàng tự nhiên, nhưng vẫn đảm bảo hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp, chỉ dao động trong khoảng từ 1.3 – 1.35. Ngoài ra, trong thức ăn chứa các chất tăng cường sức khỏe cho đường ruột và hỗ trợ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, nâng cao tỷ lệ sống và khả năng kháng bệnh cho cá nuôi.

Anh Hoàng là một khách hàng của Skretting, đã sử dụng sản phẩm hơn ba năm cho biết, chỉ với diện tích ao 1.300 m2, anh thả 1 triệu bột (giá 7 triệu đồng) chỉ trong vòng 6 tháng nuôi anh thu hoạch được 12 tấn cá loại một chất lượng cao với kích cỡ 400 g/con, tỷ lệ cá dạt chỉ 1%, FCR 1.35, thời gian sử dụng thức ăn tạo vàng cho cá chỉ 10 ngày trước khi thu hoạch, lợi nhuận đạt được của vụ nuôi vừa qua là 300 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí. Anh Hoàng cho biết thêm: “Cá thu khá đều cỡ, màu sắc đẹp, cá mập ú, thương lái khen đẹp nhất so với các ao khác”.

Chú trọng quy trình nuôi

Tuy nhiên, để có thể đạt được kết quả cao trong ương nuôi thì người nuôi cũng cần phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật như sau:

Chuẩn bị ao

Trước khi thả nuôi, người nuôi nên cải tạo ao nuôi bằng cách tát cạn ao, vét sạch bùn đáy, diệt hết cá tạp, xung quanh ao cần làm vệ sinh sạch sẽ. Người nuôi nên bón vôi cho ao nuôi từ 50 – 100 kg/1.000 m2 và phơi đáy ao đến nứt chân chim, nước cấp vào ao nuôi cần lọc qua lưới mịn, mực nước cấp từ 1,5 – 2,5 m, sau đó để nước ổn định 1 tuần trước khi thả giống.

Chọn và ương cá bột

Người nuôi nên chọn cá bột khỏe mạnh, đồng đều, đồng màu, bơi bám đáy bao đựng cá bột, mật độ thả 50.000 – 80.000 con bột/1.000 m2, cá bột cần thả lúc trời mát. Trong giai đoạn này dinh dưỡng là yếu tố then chốt quyết định sức sống của cá.

Thức ăn tự nhiên (trứng nước) là nguồn thức ăn ban đầu vô cùng quan trọng cho cá bột sau khi thả. Để tạo được nguồn trứng nước trong ao nuôi trong giai đoạn này người nuôi có thể sử dụng khoảng 1 – 2 kg Micro 0/1.000 m2 rải đều khắp ao nuôi trong thời gian từ 10 – 14 ngày cho đến khi thấy cá lên móng. Từ tuần thứ 3 trở đi, người nuôi bắt đầu cho cá ăn Micro 80 với tỷ lệ 70% Micro 0 và 30% Micro 80, sau đó tỷ lệ thức ăn Micro 80 sẽ được tăng lên dần cho đến khi thay thế hoàn toàn thức ăn Micro 0. Sau 1 tháng ương, tỷ lệ thức ăn Micro 80 giảm xuống còn 30 – 40% tổng lượng thức ăn hàng ngày, phần còn lại là thức ăn Micro 100. Từ tuần thứ 6 trở đi, thức ăn Micro 120 được sử dụng với tỷ lệ 80% và tăng dần lên 100% khẩu phần hàng ngày. Ở cuối tháng thứ 2, cá giống thường đã đạt cỡ 10 g/con.

Cá giống sau 2 tháng ương sẽ được thả nuôi trong ao đất với mật độ 50 – 60 con/m2, hoặc có thể được thả nuôi trên ruộng lúa có bổ sung một phần thức ăn công nghiệp.

Ở giai đoạn chuyển sang nuôi thịt, người nuôi có thể tiếp tục sử dụng Micro 180 cho đến khi cá đạt 20 g/con, có thể cho cá ăn với thức ăn viên Til 180 phối hợp cùng với Micro 180 cho đến khi cá đồng loạt về cỡ 20 g/con thì sẽ chuyển hẳn hoàn toàn sang bộ sản phẩm Til (Til 180, Til 300 và Til 450A). Đặc biệt, trước khi thu hoạch từ 7 – 10 ngày người nuôi cần cho cá trê ăn hoàn toàn thức ăn Til tạo vàng để cá trê có màu vàng đẹp tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường và bán được giá cao.

Chăm sóc và quản lý ao nuôi

Trong quá trình ương, nuôi, người nuôi cần theo dõi hoạt động của cá hằng ngày, điều chỉnh lượng thức ăn sao cho vừa đủ, không thừa cũng không thiếu. Định kỳ trộn thêm Vitamin C và chất khoáng và sản phẩm Santron với liều lượng từ 1 – 2 g/kg thức ăn nhằm duy trì sức khỏe đường ruột, giúp đường ruột cá luôn khỏe mạnh, hấp thu tối đa chất dinh dưỡng, đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch cũng như giúp cá tăng trưởng tốt hơn.

Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần bổ sung thêm vi sinh AOcare Probiotic vào môi trường ao nuôi với liều lượng 50 – 80 g/1.000 m3/tuần, nhằm giúp phân hủy mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa trong ao nuôi, hấp thu các khí độc gây hại cho cá, đồng thời lấn át sự phát triển các loài vi khuẩn có hại, trả lại môi trường nuôi trong sạch cho cá phát triển tối ưu.

Skretting Vietnam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!