T2, 06/07/2020 09:46

Miền Trung phòng bệnh cho người dân sau lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

(Tạp chí Thủy sản VN) – Tranh thủ mưa giảm và lũ các sông đang xuống, công tác khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung đang được triển khai khẩn trương. Bên cạnh việc xây dựng lại nhà ở cùng hệ thống các cơ sở hạ tầng thiết yếu, các biện pháp phòng bệnh cũng được các địa phương chú trọng…

Nước rút, bệnh dịch bùng phát

Trong đợt lũ này, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Lộc… Tại huyện Quảng Điền, địa phương của tỉnh Thừa Thiên-Huế bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa lũ, các xã vùng thấp trũng như Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Phước vẫn còn ngập trong nước từ 0,3  – 0,5 m.

Các huyện vùng thấp trũng Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị lũ rút để lại khối lượng lớn bùn non bao vây khu dân cư. Đặc biệt, hệ thống giếng khơi ngập sâu nhiều ngày trong lũ khiến nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng. Theo ông Hồ Quang Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Điền thì: “Nước xuống rất chậm đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. Hiện đã có hơn 100 người dân bị sốt xuất huyết (SXH) và đau bụng đi ngoài. Nhiều trường học vẫn chưa thể đón các cháu học sinh tới lớp vì còn ngập sâu trong nước”.     

Còn tại Quảng Trị, ông Phan Văn Linh – Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: Lũ trên địa bàn đã rút nhưng tình hình vẫn rất phức tạp. Nước ngâm dài ngày không rút đã cách ly mọi sinh hoạt, giao thương nên đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đặc biệt, sức kháng cự của người dân đã yếu nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao.

Các xã Tân Hoá, Minh Hoá, Quy Hoá, huyện vùng cao Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình có hàng chục người mắc bệnh tiêu chảy và đau mắt đỏ. Nhiều trẻ em bị tiêu chảy cấp, sốt dai dẳng nên gần như kiệt sức. Bệnh đau mắt đỏ cũng đang lan nhanh. Điều kiện vệ sinh kém, thiếu nước sạch, xác động vật chết… là những nguyên nhân khiến dịch bệnh đang gia tăng.

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình trong cơn “đại hồng thủy”                Ảnh: Xuân Trường

Xử lý nước phục vụ sinh hoạt

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả sau lũ, giảm sự gia tăng của dịch bệnh, ngành y tế các tỉnh bị lụt cũng đã thành lập hàng chục đoàn y tế dự phòng trực tiếp về vùng ngập lụt hướng dẫn người dân dùng hoá chất xử lý nguồn nước, ngăn ngừa các loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, mắt đỏ, tiêu chảy sốt siêu vi… bùng phát. Sáng 7/10, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Trị đã cử 6 đoàn y, bác sĩ mang theo 450kg CloraminB dạng bột và gần 300.000 viên CloaminB, 300kg phèn chua tức tốc về các địa phương xử lý môi trường và nguồn nước ô nhiễm.

Tại các xã ngập lụt nặng của huyện Hải Lăng và Triệu Phong, đoàn y tế đến tận nhà dân dùng hoá chất CloraminB xử lý hàng ngàn giếng khơi ô nhiễm. Đồng thời, huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế cơ sở phục vụ xử lý nước và xử lý môi trường. Nhờ đó, 100% giếng khơi của các địa phương bị ngập sâu trong lũ những ngày qua được xử lý bằng hoá chất để người dân có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt và ăn uống sau lũ. Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị đã tổ chức cấp 600 thùng dụng cụ gia đình gồm gối, màn, bộ đồ nấu ăn và nhiều vật dụng khác để cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại nặng tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng… Mưa lũ trong những ngày qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện ngành y tế tỉnh này đã thành lập các đoàn y tế dự phòng di động về các huyện Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền để hướng dẫn người dân xử lý môi trường sau khi lũ rút.

Trung tâm Y tế dự phòng và Phòng Y tế huyện Minh Hoá (Quảng Bình) cũng huy động toàn bộ cán bộ đến vùng bị ngập lụt xử lý vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân.

Hà Ngọc

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!