Mô hình nuôi cá sạch ở Đông Mỹ, Hà Nội: 60% thành công được quyết định bởi con giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Đông Mỹ là một xã ven đô của huyện Thanh Trì, Hà Nội với diện tích sản xuất nông nghiệp 115 ha, trong đó 105 ha thuỷ sản chuyên canh. Mô hình nuôi thuỷ sản tập trung an toàn sinh học đã phát huy hiệu quả, đem lại thành công và tư duy mới cho người nông dân. Một trong những khâu quyết định đến thành công của mô hình nuôi cá ở Đông Mỹ chính là giống.

Từ manh mún đến khoa học

Trước kia, khi các hộ chăn nuôi sản xuất theo mô hình “mạnh ai nấy làm”, năng suất bình quân chỉ đạt 4 – 5 tấn/ha. Không những thế, hiện tượng bệnh trên cá vẫn thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Hiện tượng bệnh cá vẫn thường xuyên xuất hiện gây thiệt hại lớn cho người nuôi, nhất là khi chuyển mùa. Cơ cấu rải vụ không hợp lý nên thu hoạch bị dồn, dẫn đến áp lực về mùa vụ. Chất lượng thực sự của thuỷ sản còn bỏ ngỏ. Năm 2010, để giải quyết tình trạng này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng mô hình nuôi thuỷ sản tập trung an toàn sinh học với 80 ha và 85 hộ tham gia, với mục tiêu: Xây dựng vùng thuỷ sản tập trung, theo hướng bền vững, nâng cao năng suất bình quân vùng nuôi; Tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội, không gây ô nhiễm môi trường, lấy đó làm cơ sở để xây dựng mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trung tâm đã hỗ trợ 50% con giống đảm bảo chất lượng, 20% chế phẩm sinh học xử xý môi trường, tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình. Các công đoạn, đều được vận hành theo một chu trình khoa học. Đến nay, mỗi ha nuôi theo quy trình an toàn, bền vững mang lại lãi suất trên 60 triệu đồng/ha, tăng gấp gần 2 lần so với cách làm ăn cũ. Chất lượng môi trường ao nuôi giai đoạn chuẩn bị thu hoạch cá, các chỉ số môi trường đều đạt tiêu chuẩn khi xả thải ra môi trường. Hàng tháng có cán bộ chỉ đạo mô hình kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá. Kết quả cho thấy cá phát triển, sinh trưởng tốt, không xuất hiện dịch bệnh tại vùng nuôi. Năng suất ước đạt trên 10 tấn/ha.

Giống là yếu tố quan trọng quyết định thành công của mô hình nuôi cá sạch ở Đông Mỹ

 

Thành công nhờ “nhất giống”

Ông Nguyễn Văn Báu, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ và Thủy sản Đông Mỹ cho biết: mặc dù mô hình đạt năng suất và hiệu quả rất tốt, nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn một số ít hộ chưa mạnh dạn đầu tư do nhiều hộ không nuôi con giống tại chỗ mà nhập từ Trung Quốc nên giá thành cao, chất lượng cũng không dám chắc đã đảm bảo, do đó việc đầu tư cho sản xuất còn hạn chế. Để mô hình nuôi thủy sản sạch phát huy hết hiệu quả, người nuôi cần đặc biệt đến khâu sản xuất con giống tìm nguồn giống ổn định và đảm bảo, song song với các biện pháp nuôi trồng khoa học và an toàn.

Theo ông Nguyễn Viết Để, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Hà Nội: Để đạt được thành công của mô hình nuôi trồng thủy sản tại Đông Mỹ, con giống là yếu tố chi phối rất lớn, có thể quyết định đến 60% thành công của người chăn nuôi. Đến nay, sau gần một năm triển khai mô hình nuôi cá sạch ở Đông Mỹ, thành công bước đầu của mô hình này đã mở ra những cơ hội và tư duy mới cho người nuôi trồng thủy sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Vừa qua, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ cho vùng nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm tại Đông Mỹ. Theo đó, các loại cá như cá chép, cá rô phi, tôm càng xanh, cá trắm, cá chim…được công nhận là sản phẩm thủy sản sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm, được gắn mã số, mã vạch và được tiêu thụ tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm có gắn logo của vùng nuôi thủy sản Đông Mỹ.

 

 Hà Nội có hơn 18.000 ha nuôi trồng thủy sản(NTTS), năng suất bình quân mới đạt từ 4 – 5 tấn/ha. Tại mô hình NTTS an toàn tập trung với diện tích 80 ha ở xã Đông Mỹ (Thanh Trì), nông dân đã thu hoạch vụ đầu, năng suất ước đạt 10 tấn/ha, giá trị đạt 200 – 250 triệu đồng/ha, tăng gấp hai lần so với nuôi cá truyền thống.

 

Trần Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!