Đó là tâm trạng chung của người nuôi tôm, ngư dân khai thác biển và doanh nghiệp ngành thủy sản Sóc Trăng kể từ khi chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) đóng cửa và việc giãn cách xã hội được thực hiện tại các tỉnh, thành phía Nam theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ghi nhận của người viết, giá tôm tại Sóc Trăng những ngày qua tuy có nhích lên một vài ngàn đồng mỗi ký nhưng vẫn chưa thể đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi tôm yên tâm. Giá tôm thẻ loại 100 – 50 con/kg dao động từ 60 – 105 ngàn đồng/kg, nhưng cũng rất khó tìm thương lái đến mua nếu sản lượng ít hoặc thuộc vùng đỏ. Riêng tôm thẻ loại 30 – 20 con/kg vẫn có giá tương đối khá với mức giá tương ứng từ 128 – 210 ngàn đồng/kg. Nói về giá tôm hiện nay, ông Võ Văn Phục – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam đã dùng đến cụm từ: “giảm thê thảm” do các nhà máy ở Sóc Trăng và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đều thu hẹp sản xuất chỉ còn 30 – 40% vì thiếu lao động, trong khi các vùng nuôi hầu hết đang vào thu hoạch vụ 2. Ông Phục chia sẻ: “Các nhà máy muốn mua vào nhiều để chia sẻ với người nuôi tôm cũng khó vì không có đủ công nhân. Ngoài ra, do mọi chi phí sản xuất, logistics… đều tăng mạnh đẩy giá tôm thời gian qua giảm mạnh”.
Các hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu) cho biết, tình hình nuôi vẫn khả quan nhưng người nuôi chỉ dám thả nuôi cầm chừng 1 – 2 ao mà không dám thả hết diện tích vì giá tôm đang giảm rất mạnh. Nguyên nhân do vướng quy định cách ly của thị xã nên thương lái ngoài xã vô khó, còn thương lái trong xã thì ít. Vị lãnh đạo HTX trên cho biết thêm: “Mỗi đội thu hoạch của thương lái trung bình khoảng 10 người, mỗi lần thu hoạch ngoài địa bàn phải làm xét nghiệm tốn chi phí nên họ rất ngại đi thu mua ngoài địa bàn xã”. Trao đổi với người viết về thực trạng này, một thương lái quen thân ở phường Khánh Hòa (TX. Vĩnh Châu) xác nhận: “Dù gần đây có phân luồng xanh, nhưng việc thu mua vẫn rất khó, nhất là thu mua ngoài địa bàn phường, xã. Ngoài việc chi phí tăng cao, còn do nhiều lao động trong đội thu tôm trước đây lo ngại dịch không dám đi”.
Một hộ nuôi tôm ở huyện Trần Đề than: Do giãn cách nên vật tư đầu vào phục vụ nuôi tôm vận chuyển vô tới vuông tôm rất khó khăn và tốn chi phí. Đại lý muốn vô mua tôm phải làm xét nghiệm hết cho cả đội nên buộc họ phải giảm giá thu mua rất nhiều để đảm bảo lợi nhuận. Vì vậy, hầu hết người nuôi tôm thu hoạch trong đợt giãn cách xã hội đều không có lời, một số thua lỗ, nên ít có người tiếp tục thả giống. Không chỉ gặp khó trong khâu tiêu thụ, nhiều hộ nuôi tôm cũng đứng ngồi không yên khi không thể trực tiếp chăm sóc ao nuôi vì khác địa bàn. Một hộ nuôi cho biết: “Tôi có đất nuôi tôm ở huyện Mỹ Xuyên và Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nên chỉ được chọn 1 trong 2 nơi để chăm sóc tôm, còn lại phải giao hết cho người làm thuê, nên không thể nào yên tâm được.
Giá tôm hiện đang giảm sâu và dù rất muốn chia sẻ với người nuôi, các nhà máy chế biến tôm trong tỉnh vẫn không thể thực hiện được vì không đủ công nhân, trong khi nhu cầu bán tôm của người dân vẫn không giảm buộc giá tôm phải giảm. Ông Nguyễn Đăng Khoa – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa cho biết: “Do quy định giãn cách nên việc đi lại thu hoạch tôm cũng rất khó khăn vì không tìm được người đi thu tôm, còn nếu tìm được khi qua địa bàn khác cũng phải có kết quả test âm tính, làm tăng chi phí thu mua nên nhiều thương lái ngại thua lỗ. Khó nhất là những hộ nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít, đến kỳ thu hoạch rất khó để tìm được thương lái vì lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí”.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, vẫn còn cơ hội cho doanh nghiệp và người nuôi tôm trong vụ nuôi năm 2021, nếu tình hình giãn cách xã hội được kết thúc sớm ngay trong tháng 8. Ông Khoa phân tích: “Ngành tôm đã bị trễ một nhịp so với cơ hội thị trường nhưng nếu như lệnh giãn cách được kết thúc sớm vào cuối tháng 8 thì cơ hội vẫn còn và giá tôm khi đó chắc chắn sẽ tăng trở lại, còn nếu chậm hơn nữa thì coi như cơ hội của năm nay sẽ trôi qua, việc phục hồi sản xuất sẽ là rất khó khăn. Tình trạng thiếu hụt tôm nguyên liệu cho những tháng cuối năm thậm chí là kéo dài sang cả những tháng đầu năm 2022 nhiều khả năng sẽ xảy ra”.
Không chỉ có con tôm, nhiều mặt hàng khai thác biển cũng giảm giá mạnh do ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội khiến nhiều chủ tàu buộc phải tạm ngưng khai thác vì càng đi sẽ càng lỗ. Ông Phạm Văn Hứa – Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng) thông tin: “Hiện nay số tàu cá nằm bờ chiếm khoảng 60% do hầu hết chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá xăng dầu, nhưng sản phẩm khai thác thì giảm giá mạnh, ngư dân bị thua lỗ nặng…”.
Cùng chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nên đội tàu khai thác biển của Sóc Trăng chỉ còn khoảng 40% ra khơi. Ảnh minh họa: Tích Chu
Rõ ràng, với công suất chế biến giảm 60 – 70% do thiếu hụt công nhân của hầu hết các nhà máy trong khu vực ĐBSCL nên dù ngành chức năng và các địa phương đã hết sức nỗ lực kết nối cung cầu nhưng cũng chưa thể vực dậy giá tôm như mong muốn nên cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều lâm vào thế khó. Tuy nhiên, từ tháng 9 trở đi khi các nhà máy bước vào cao điểm thu mua, chế biến, xuất khẩu nên hiện tại, cả doanh nghiệp và người nuôi tôm đều mong đại dịch Covid-19 sớm được khống chế, trả lại cuộc sống bình thường mới, để giá tôm tăng trở lại, ngành tôm kịp phục hồi trong những tháng cuối năm 2021.
Tích Chu
Nguồn: Báo Sóc Trăng