Một lần đi lộng cùng ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

Khi xưa, đi lộng bị coi là thấp kém, nhưng hiện nay nhận thức của ngư dân đã khác. Làm nghề lộng thu nhập không cao nhưng chưa khi nào về không.

4 giờ chiều, cả nhóm có mặt tại cửa biển Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), lên thúng chai ra chiếc ghe nhỏ chờ sẵn. Mọi việc diễn ra rất khẩn trương. 4 giờ 30, ghe nổ máy kéo theo 4 thúng chai chất đầy lưới hướng thẳng ra khơi. Ghe cách bờ chừng 3km, lão ngư Ngô Thành tắt máy, thả neo.

Có thâm niên đi lộng hơn 40 năm, Ngô Thành đoán chắc do sức ép của bão ngoài khơi nên đàn cá tấp vào gần bờ. Đúng như dự đoán, bỗng chốc trước mặt chúng tôi xuất hiện đàn cá ngân nhào lên mặt nước theo làn sóng trắng xóa. Biết chắc có nhiều cá đuối, mực, cua, ghẹ… đuổi theo đàn cá bắt mồi, Ngô Thành ra hiệu 4 đứa con xuống thúng chai tỏa ra thả lưới.

Niềm vui của lão ngư Ngô Thành sau đợt thả lưới được nhiều cá, tôm

6 giờ chiều, khi đoàn nghe của ngư dân Cá Ná, Phước Diêm lên đèn ra khơi làm nghề pha xúc thì cha con Ngô Thành thả xong 4 sải lưới ba màng dài gần 1km. Công việc quá nhàn hạ, mọi người vào bờ nghỉ ngơi đến tảng sáng hôm sau ra vớt lưới lên. Mẻ lưới ngày biển động, cá, mực, tôm, ốc… “đóng” nhiều, Ngô Thành huy động cả nhà ra gỡ. Mớ cá ngân, cá dìa… tuy nhỏ nhưng tươi rói nên thương lái giành nhau mua; còn những con cá mú, cá đuối, cua, mực to từ nửa kg trở lên, vợ Ngô Thành đem nhập nhà hàng, thu được tiền triệu. Một đợt giăng lưới, sau khi chia phần cho 4 đứa con, Ngô Thành còn được hơn 1 triệu đồng. Nghe tôi trầm trồ làm nghề như vậy giàu lên mấy hồi, ông Thành giải thích: Chỉ những ngày biển động cá mới “đóng” nhiều; ngày thường chỉ được vài trăm, có khi dăm bảy trăm ngàn đồng là cùng.

Có lẽ đi lộng nhàn hạ, sống được, nên lão ngư Ngô Thành gắn bó nghề này cả cuộc đời. Thời trai trẻ, vợ chồng ông chỉ sắm 2 sải lưới làm nghề lộng mà nuôi được 4 đứa con trưởng thành. Sải lưới 3 màng (3 lớp) làm nghề “ngâm” (tối thả sáng vớt) đánh bắt được rất nhiều loại tôm, cá, mực, ốc… từ to đến nhỏ. Sải lưới 1 màng (1 lớp) đánh cá lúc rạng đông. Mùa biển động, cá vào bờ nhiều, ông chỉ làm nghề ngâm. Lúc biển lặng, đàn cá tản ra thì làm hai nghề.

Ngư dân làm nghề lộng kiếm sống từng ngày, nhưng nhờ biển phóng khoáng nên không bị đứt bữa. Nghề lộng vì thế cứ tồn tại theo kiểu “cha truyền con nối”. Con cái lớn lên, cha mẹ sắm riêng cho vài sải lưới khoảng 20 triệu đồng, chiếc thúng chai hơn 2 triệu đồng, theo cha làm nghề. Từ chỗ một mình với chiếc thúng chai lênh đênh ngoài biển, đến nay 5 cha con Ngô Thành sắm được 11 thúng chai, 20 sải lưới, 1 ghe máy nhỏ, tổng giá trị hơn trăm triệu đồng. Cuộc sống của mấy cha con như một vòng quay: tối thả lưới – sáng vớt lên, sáng thả – nửa trưa vớt, ngày này qua ngày khác cứ thế trôi qua.

Trước đây rổ cá của người đi lộng mang ra chợ đổi được vài kg gạo, nhưng hiện nay vừa vớt lưới lên bờ là thương lái giành nhau mua; con mực, con cua, ốc… “đóng” lưới ba màng trở thành món ăn đặc sản.

>> Tỉnh Ninh Thuận có hàng ngàn ngư dân làm nghề đi lộng, chỉ riêng thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná, huyện Thuận Nam đã có khoảng 300 hộ. Mùa biển động, tàu lớn vào bờ trú ẩn, còn ngư dân đi lộng lại vào vụ đánh bắt chính. Những ngày ảnh hưởng bão số 7, dọc bãi biển Cà Ná nhộn nhịp thúng chai vào ra, gương mặt ngư dân đi lộng rạng ngời vì đánh bắt được nhiều tôm cá.

Anh Tùng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!