T2, 06/07/2020 10:18

Một thủa săn kình: Chạm trán cá mập khổng lồ

Chưa có đánh giá về bài viết

Dong thuyền vượt gió lớn, đạp sóng bạc, săn loài cá được mệnh danh là hung thần của biển cả – cá kình để hình thành nên một làng nghề độc đáo nơi đất Cảng. Hổ kình hay cá voi sát thủ nhưng từ xa xưa, ngư dân ta vẫn gọi chung những con cá dữ là kình…

Buổi chạm trán cá mập khổng lồ

Cái vây lưng hình tam giác đen lùi lũi từ từ tiến lại, bóng nó đổ dài tưởng nuốt trọn cái thuyền mỏng mảnh. Phập, tiếng lưỡi đọc từ cánh tay vạm vỡ của một ngư phủ ghim thẳng vào lưng con cá nghe ngọt sớt.

Đọc tựa như lưỡi lao nhưng có khấc, một đầu nối với đoạn dây dài. Phóng đọc xong thợ săn nhanh tay xoay cái cán sao cho lưỡi mắc ngang, găm vào thân kình như mỏ neo ăn xuống đáy biển. Con vật khổng lồ tưởng kiệt sức bỗng bừng tỉnh. Sợi dây đọc to như chiếc đũa làm bằng ni lông bẹ rất chắc bị kéo căng như dây đàn, chực đứt lôi theo cả chiếc thuyền phía sau phóng đi vèo vèo. Cuộc chiến với hung thần của biển bắt đầu với đủ mọi biện pháp cương, nhu. Cá lôi căng dây thì ngư phủ thả, cá để chùng dây thì ngư phủ kéo, phải để nó mệt nhoài mới bắt. Sơ sảy cái, dây đọc đường kính 100 li mà cứa vào tay với sức mạnh và tốc độ của con cá mập vài tạ chẳng khác gì một lưỡi dao cạo cầm chắc đứt phăng cả bàn tay.

“Mập còn khỏe hơn cả con trâu mộng, ghì vào sát thuyền, đầu chổng phộc xuống nước, lưng vắt lên mạn rồi mà không thể kéo được phải dùng tấm ván làm đòn bẩy mới bẩy được lên. Bốn lực điền dùng cả thân mình ghim chặt lấy cái đuôi nhám mập để ép xuống mạn thuyền mà nó quẫy văng đi, thuyền tròng trành như gặp phải sóng cấp năm, cấp sáu. Có trận quần nhau mất cả mấy tiếng đồng hồ, khi lên bờ, hai cân tạ chụm vào cùng cân mà còn chổng phộc vì nó quá nặng”.

Ngư phủ một thủa nức tiếng săn kình Đinh Ngọc Bút (xóm Đường Trưỡng, Lập Lễ, Thủy Nguyên, Hải Phòng) năm nay đã bước vào tuổi tám mươi mà sức vóc còn tráng kiện, da đỏ au au, giọng nói vẫn oang oang như có dư ba của biển cả. Hiểu biển tường tận đến nỗi không chỉ nhớ những mùa gió, mùa cá mà ở vịnh Bắc Bộ tọa độ nào, sâu bao nhiêu, đáy là cát hay bùn lão “đọc” cứ gọi là vanh vách.

 

Cái mồm cá mập nó rộng bằng cả sải tay

Thập niên bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, Lập Lễ hình thành một đội cả chục chiếc thuyền buồm chuyên câu nhám mập. Mỗi thuyền thường phiên chế ba người, một lái, một thả câu và một người gỡ cá. Gạo nước, rau dưa dự trữ sẵn trong khoang cho chừng mươi ngày còn thức ăn đã có sẵn cá tôm dưới nước. Cước để câu cá mập thuộc loại ngoại cỡ trên 100 li với những chiếc lưỡi được gia cố bằng thép đặc biệt có cái ngạnh rất khù khoằm. Dàn câu thường có 500 – 600 lưỡi, cứ 15 m móc một lưỡi tính ra cả dàn dài vài cây số là chuyện thường. Mồi câu là nhệch sống – giống có máu tanh vào hạng nhất, cực quyến rũ loài có khứu giác thính nhạy đến mức có thể đánh hơi, phát hiện một giọt máu trong cả triệu giọt nước như cá mập. Để giữ sống thứ mồi thượng hạng này, trên thuyền luôn có một văng (khoang) đầy nước cho chúng bơi lội. Cắt mỏng nhệch thành những khoanh như đồng xu, mỗi lưỡi câu móc một miếng mồi rồi giăng theo bản đồ cá dữ ở vịnh Bắc Bộ, lấy đảo đèn Long Châu làm trung tâm, phía hắt về hòn Dáu, phía hắt về mạn Mai, Mác.

“Mập (nhám) có nhiều loại. Nhám tai, nhám cát, nhám mập. Nhám tai hai bên “tai” bành ra như cái búa. Nhám cát da như cát, xẻ thịt cùn lụt cả dao. Nhám mập màu đen, dữ tợn nhất thường nhảy lên trên mặt nước trong những trận săn mồi. Ở khu vực có cá mập cho mái chèo xuống nước chúng đớp cả mái, càng khua càng cắn hăng bởi động nước kích thích ghê gớm bản năng săn mồi của chúng. Những tiếng răng va vào nhau cứ sật sật như dao cầu cắt thuốc bắc”. Ông Bút bảo cá chết vì nước. Độ tháng ba, tháng tư âm, cá “say” con nước tốt từ đại dương rủ nhau vào bãi đẻ. Từng tía cá (bầy cá) bơi lừng lững như quả ngư lôi. Hồi ấy, thợ săn cá không có la bàn, không có định vị vệ tinh, đêm trông sao, ngày trông mặt trời để định hướng nhưng mập nhiều vô kể. Có những khu vực, mặt biển như bị hàng trăm lưỡi dao cạo xé rách tơi bời.

Mỗi lưỡi dao là vây lưng của một con cá mập nhô lên trên mặt nước. “Thả câu thường chỉ được những con mập 70 – 80 kg nhưng cũng có khi bắt được con nặng tới vài tạ. Mập kéo lên thuyền được mổ ra, lấy muối xát vào rồi quẳng xuống văng. Mập đẻ con chứ không đẻ trứng như nhiều loại cá khác nên có con mổ ra được tới nửa tạ cá nhỏ. Khi văng đã hết chỗ chứa, thường là khoảng một tấn, chúng tôi lại căng buồm trở về”, ông Bút kể.

Thuyền về, khắp làng Lập Lễ biến thành sân phơi đầy những tảng thịt cá mập được xắt khúc chừng vài ba cân. Thịt cá mập không có vị gì đặc biệt, rẻ còn hơn cả thịt lợn, chỉ có mỗi cái vây là có giá, một cân chừng một chỉ vàng. Chỉ những khi nhạt mồm, nhạt miệng mấy ngư dân mới rủ nhau lấy một con mập nhỏ dăm ba cân ra thái gỏi chế mồi nhắm rượu. Mập nhỏ có cái sụn ăn đã cả miệng, lại tránh được mối lo khi mổ bụng cá ra có cả ví, đồng hồ hay thậm chí nguyên cả khúc tay, chân… người nhất là những loại mập trắng khát máu có tiếng.

Ông Đinh Khắc Vuông là người khai sinh ra nghề đánh lưới mập ở Lập Lễ. Việc chuyển từ thụ động thả câu sang chủ động giăng lưới là một cuộc cách mạng, lắm chuyến đánh được nhiều mập quá, ông Vuông chỉ xẻ lấy vi còn thân cá đẩy xuống biển cho đỡ khẳm thuyền. Năm 1984, ông Bút là người đầu tiên trong làng có thuyền lắp máy Nhật 7 CV vươn ra khơi xa hơn. Một buổi đang thả dở câu cách Mai, Mác chừng 20 hải lý thấy sóng động báo hiệu có giông, ông hô người kéo câu nhưng đã muộn. Gió chuyển liên tục, từ tây nam sang tây sang bấc rồi quặt đông. Mắt thấy Cô Tô mờ xa mà thuyền không dám chạy thẳng vì sợ sóng dập, đắm lái ngay tắp lự. Vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm Đinh Ngọc Bút cứ đánh lái chạy vát theo những con sóng to như những mái nhà để tránh né. Chiếc thuyền rung lên bần bật, sóng đẩy nước chảy ràn rạt trên mui, trên mái. Sáng, gió ngừng, biển lặng như một chiếc ao làng, chiếc thuyền tơ tướp mới “lết” được vào đất liền…

Lập Lễ có cả chục thợ săn kình siêu hạng nhưng có lẽ gặp vận may nhất ông là ông Đinh Như Tiện ở thôn Láng Cáp khi săn được con cá để đời. Ông Tiện năm nay 63 tuổi, răng đã rụng, chân đã phù nề, cái phong thái của một ngư phủ lừng lẫy thủa nào chỉ còn đọng lại trong những câu chuyện kể: “Đó là vào năm 1991, ông Như ở Cát Bà ra khu vực cửa Dứa (Hòn Gai) đánh cá bằng thuốc nổ. Sau mỗi cột nước tung lên, cá tôm nổi lềnh phềnh trên mặt biển, ông lại thấy một con cá mập khổng lồ, lớn gấp đôi chiếc thuyền trồi lên, đớp hết cá lớn, cá nhỏ. Mắt nó to như cái bát tô, hàm răng tầng tầng, lớp lớp hàng trăm chiếc, mỗi chiếc to như quả chuối mắn.

Nghe ông kể, chúng tôi ham quá, vội đi bủa lưới. Cả một đêm dài chờ đợi, sáng ra phát hiện 2 treo lưới quấn quanh, trói chặt lấy mình con cá. Tuy nó đã chết vì nghẹt thở nhưng chúng tôi huy động 15 người vẫn không kéo được lên khoang mà phải dong thuyền dìu vào hang Buông (Cát Bà) rồi đưa lên bãi cát. Lấy thước ra đo con cá dài ngót 13 m, thân to như trâu chọi, ước nặng trên 1 tấn. Nó nặng đến nỗi khi hơn 20 người kéo lên thuyền để bán thịt cho thương lái nằm bẹp cả cái be dậm thuyền. Sau khi được cắt vi, phơi khô chúng tôi thu được trên 20 kg”…

Dương Đình Tường

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!