T2, 06/07/2020 10:12

Mùa biển năm 2012: Thăng Bình (Quảng Nam) bội thu

Chưa có đánh giá về bài viết

Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với ngư dân đã phát huy hiệu quả. Nhờ vậy, năm nay huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam có một mùa biển bội thu.

Được mùa

Những ngày này, mặc dù thời tiết thất thường nhưng lựa chọn thời gian thích hợp, nhiều phương tiện khai thác hải sản trên địa bàn huyện Thăng Bình vẫn tranh thủ ra khơi. Theo ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình), vào mùa biển lặng, nhiều tàu lớn khai thác trên biển hàng tháng trời, nhưng đến mùa biển động, ngư dân cũng chắt chiu từng khoảng thời gian biển lặng để tranh thủ ra khơi khai thác gần bờ bằng các phương tiện công suất nhỏ, chủ yếu nhất là thuyền thúng. “Từ xa xưa đến nay, cả làng này đều sống nhờ vào biển. Chỉ cần trời yên, biển lặng là chúng tôi ra biển ngay. Thời gian này, không đi xa được vài trăm hải lý thì chúng tôi thả lưới gần bờ, tuy vất vả nhưng thu nhập cũng  đủ sống qua ngày” – ông Nguyễn Văn Thành (thôn Hà Bình, Bình Minh) cho biết. 

alt 

Ngư dân huyện Thăng Bình chuẩn bị ra khơi trong mùa biển động – Ảnh:Q.Việt

Ngoài các phương tiện chủ yếu sản xuất bằng các nghề lưới vây, lưới cản, huyện Thăng bình có khoảng 20 tàu công suất lớn làm nghề câu mực khơi. Mỗi năm, với khoảng 4 chuyến biển dài ngày, sau khi trừ chi phí, các chủ phương tiện thu được vài trăm triệu đồng. Những người đi “bạn” cũng thu được vài chục triệu đồng. Ông Trần Công Chi (thôn Bình Tân, Bình Minh), chủ phương tiện câu mực khơi có công suất 550CV cho biết: “Nếu như mọi năm, trước khi xa khơi, chúng tôi canh cánh không biết có tập hợp đủ 35 người đi “bạn” được không thì năm nay, nhờ thu nhập ổn định, các “bạn” đều đúng hẹn, hăng hái ra khơi. Nhà nước hỗ trợ chi phí về nhiên liệu, cả chủ tàu và người đi “bạn” đều được hưởng lợi nên ai cũng vui với chủ trương khuyến khích sản xuất này”. Ông Trần Công Tư cũng ở thôn Bình Tân, chủ phương tiện câu mực khơi có công suất 350CV cũng chia sẻ: “Cải hoán, nâng cấp tàu cá để vươn xa bám biển dài ngày là nguyện vọng lâu nay của gia đình chúng tôi. Trước đây, theo quy định của chính sách hỗ trợ là phải sử dụng máy thủy lực mới 100% có giá rất cao nên chúng tôi không dám vay ngân hàng để nâng cấp tàu cá. Vừa qua, nhận được chủ trương hỗ trợ sản xuất bằng cách ưu đãi 10% lãi suất vốn vay để nâng cấp tàu cá mà không phải chịu ràng buộc là máy thủy mới 100%, chúng tôi đã mạnh dạn nâng cấp tàu cá có công suất tương đối cao như hiện giờ. Nhờ kiên trì bám biển, sản xuất hiệu quả, chúng tôi có thể thanh toán được một phần vốn vay từ ngân hàng. Đó cũng là động lực để chúng tôi có thể “chiến đấu” tốt hơn khi bước vào vụ mới trong năm đến”.

Tiếp tục hỗ trợ ngư dân

Năm 2012, sản lượng khai thác hải sản huyện Thăng Bình đạt 10.300 tấn (tăng gần 3.000 tấn so với năm 2011, vượt hơn 20% kế hoạch năm). Theo phân tích của UBND huyện Thăng Bình, nhờ được khuyến khích sản xuất bằng các hỗ trợ thiết thực, ngư dân đã tăng thời gian bám biển và năng động sản xuất nên sản lượng khai thác đã vượt trội so với mọi năm. Ông Phan Công Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển; phổ biến thêm các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất trên biển của Chính phủ cũng như của UBND tỉnh để ngư dân yên tâm bám biển dài ngày; nâng cao hiệu quả sản xuất cho vụ cá nam năm đến… là những nhiệm vụ chủ yếu để phát triển ngành khai thác hải sản của địa phương. 

Thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác trên biển đã được khuyến khích thành lập và nhân rộng trên địa bàn huyện. Theo ông Vỹ, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện sẽ tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Nhà nước về lợi ích thiết thực của ngư dân khi tham gia tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Đồng thời, cũng sẽ phối hợp với 4 địa phương ven biển trên địa bàn huyện là Bình Minh, Bình Dương, Bình Hải và Bình Nam tạo điều kiện hoàn thiện hơn mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để nghề cá ở các xã ven biển phát triển ổn định hơn. “Mô hình này không chỉ đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân mà còn đảm bảo an toàn, hiệu quả trong sản xuất và góp phần khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Các địa phương ven biển sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của ngư dân khi tham gia tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản. Ngoài ra, song hành với các nhiệm vụ đó, công tác tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng như các kỹ năng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và kiến thức pháp luật về biển cũng sẽ được chúng tôi chú trọng hơn trong thời gian đến” – ông Vỹ nói.

 >> Về phổ biến các chính sách hỗ trợ đến với ngư dân và việc chuẩn bị cho vụ cá nam đến (tháng 3 – 9.2013), ông Vỹ cho biết thêm, thời gian qua, nhờ nhiều chính sách hỗ trợ khai thác hải sản được ban hành từ Trung ương cũng như của UBND tỉnh, ngư dân trên địa bàn huyện đã được hưởng lợi và nỗ lực tăng thời gian bám biển. Tuy nhiên do nguồn vốn của ngư dân trên địa bàn còn yếu nên tốc độ phát triển của đội tàu đánh bắt xa bờ vẫn chưa được nhiều như kỳ vọng. Để triển khai hiệu quả vụ cá nam trong năm đến, địa phương sẽ tiếp tục phổ biến sâu rộng các cơ chế hỗ trợ cho ngư dân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng như của UBND tỉnh. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ lãi suất vốn vay để đóng mới và cải hoán tàu cá công suất cao dành cho máy thủy mới 100% và máy đã qua sử dụng; số chuyến biển và hạn mức hỗ trợ về nhiên liệu, về bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên sẽ trực tiếp đến với ngư dân chi tiết và dễ hiểu hơn.

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!