THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Mưa lũ ở miền Trung gây thiệt hại nặng về người và tài sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo báo cáo nhanh ngày 10/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản.

Mưa lũ gây nhiều thiệt hại ở Bình Định (Nguồn: baobinhdinh.com.vn)

Cụ thể, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 21h00 ngày 09/12/2018 như sau: có 02 người bị chết (bà Lữ Thị Tú Anh, sinh năm 1959 và chị Nguyễn Lữ Vân Anh, sinh năm 1983, tại khu phố số 02, phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) do nước to cuốn vào cống. Nhà bị ngập nước: 3.834/4.564 nhà (Nghệ An 730 nhà, hiện đã hết ngập; Quảng Trị 544 nhà; Đà Nẵng 1.143 nhà; Quảng Nam 60 nhà; Quảng Ngãi 35 nhà; Bình Định 2.052 nhà). Số hộ phải di dời khẩn cấp: 383 hộ (Quảng Ngãi 63 hộ, trong đó đã di dời 60 hộ trong đêm 9/12; Bình Định 320 hộ).

Về nông nghiệp, diện tích lúa bị hư hại, ngập: 380ha (Quảng Trị 122 ha; Bình Định 258 ha); hoa màu bị thiệt hại, ngập: 746 ha (Nghệ An 519 ha; Quảng Trị 43 ha; Đà Nẵng 60 ha;  Bình Định 124 ha); cây công nghiệp, cây ăn quả: 45 ha (Nghệ An 10 ha; Quảng Trị 34 ha; Đà Nẵng 1 ha); gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi: 7.697 con (Quảng Trị 5.712 con; Bình Định 1.985 con). Về Thủy lợi: 1.487 m đê bao, bờ bao, kênh mương bị sạt lở (Quảng Trị). Về Thủy sản: 6.487 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập (Nghệ An 322 ha; Quảng Trị 165 ha).

Về giao thông: 43.545 m đường giao thông bị hư hại, sạt lở: (Quảng Trị 39.045m; Bình Định 4.500m); đường sắt Bắc Nam đoạn qua thành phố Đà Nẵng bị sạt lở 02 đoạn (Km 799+800 và Km 799+850), Công ty cổ phần đường sắt Quảng Nam – Đà Nẵng đã điều động nhân lực, thiết bị khắc phục tạm thời, hiện đã thông tàu lúc 16h00 ngày 9/12, đến 21h00 ngày 09/12/2018, tiếp tục sạt lở tại 03 điểm (K1019+100, K1019+600 và K1022+217) tỉnh Bình Định, hiện nay đang tích cực khắc phục.

Về tình hình lũ trên các sông ở Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định: Mực nước trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi), sông An Lão, sông Kôn (Bình Định) đã đạt đỉnh và đang xuống; các sông ở Thừa Thiên – Huế và sông Lại Giang (Bình Định) đang lên. Mực nước lúc 01 giờ ngày 10/12 trên các sông như sau: sông Bồ tại Phú Ốc 1,64m (trên báo động 1 là 0,14m); sông Hương tại Kim Long 1,19m (trên báo động 1 là 0,19m); sông Trà Khúc tại Trà Khúc 3,66m (trên báo động 1 là 0,16m); sông Vệ tại Sông Vệ 4,38m (dưới báo động 3 là 0,12m); sông An Lão tại An Hòa 22,16m (trên báo động 1 là 0,16m, lúc 04h ngày 10/12); sông Lại Giang tại Bồng Sơn 6,83m (dưới báo động 2 là 0,17m, lúc 04h ngày 10/12); sông Kôn tại Thạch Hòa 7,88m (dưới báo động 3 là 0,12m, lúc 04h ngày 10/12).

Dự báo: Mực nước trên sông Lại Giang tiếp tục lên; các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục xuống, các sông ở Thừa Thiên – Huế có dao động. Trưa, chiều 10/12, mực nước trên các sông như sau: Sông Trà Khúc tại Trà Khúc xuống dưới báo động 1; sông Vệ tại Sông Vệ xuống mức 3,5m, ở mức báo động 2; sông An Lão tại An Hòa xuống dưới báo động 1; sông Lại Giang tại Bồng Sơn lên mức 7,5m, trên báo động 2 là 0,5m; sông Kôn tại Thạch Hòa xuống mức 7,4m, trên báo động 2 là 0,4m; sông Hà Thanh tại Diêu Trì lên 6,00m, trên báo động 3 là 0,5m; các sông ở Thừa Thiên – Huế dao động ở mức báo động 1.

Cảnh báo: Trong những ngày tới, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên vẫn duy trì và có khả năng lên lại. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên. Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên.

Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.

Để ứng phó với thiên tai, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân nhất là vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh, tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, ngập úng để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Tập trung khắc phục sự cố đập Lại Giang tỉnh Bình Định để hạ thấp mực nước thượng lưu, huy động nguồn lực khắc phục các sự cố đường sắt, đường bộ sớm đảm bảo giao thông.

Sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn ở những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết. Kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, khu vực đường bị ngập… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.

Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; vận hành công trình tiêu chống úng, chống ngập lụt khu vực đô thị đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Rà soát việc chuẩn bị theo “phương châm 4 tại chỗ”, chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm,… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24h/24h, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đặng Hiếu

ĐCS

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!