(TSVN) – Ngày 22/12/2013, quy định mở rộng lệnh cấm thủy sản Nga được Tổng thống Joe Biden ký đã chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, các đơn hàng ký kết trước ngày này vẫn có thời gian 60 ngày để thông quan vào Mỹ.
Theo tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh (EO) nhằm mở rộng phạm vi của EO 14068, nêu rõ sản phẩm nhập khẩu từ các quốc gia sử dụng nguyên liệu thủy sản Nga (như Trung Quốc) sẽ bị cấm thông quan vào thị trường Mỹ. EO ghi rõ: “Các sản phẩm cụ thể khai thác từ lãnh hải Nga hoặc bởi các tàu cá treo cờ Nga, thậm chí những sản phẩm được xử lý, chế biến ở quốc gia thứ ba đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại một sự kiện báo chí ngày 11/3/2022, thảo luận các hành động phản đối Nga liên quan tới cuộc chiến xâm lược Ukraine
Cũng theo sắc lệnh mới, các hợp đồng hay thỏa thuận (nhập khẩu thủy sản Nga hoặc có nguồn gốc từ Nga) ký kết bằng văn bản có hiệu lực trước ngày 22/12/2023 sẽ được tiếp tục hoàn tất trước 12:01 (giờ chuẩn miền đông – EST), ngày 21/2/2024.
Ngay sau tuyên bố của Nhà Trắng, ông Bradley Smith, giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, đã ban hành một biên bản ghi nhớ nêu rõ danh mục cá, thủy sản và hải sản chế biến khai thác trên vùng biển Nga hoặc chế biến từ quốc gia thứ ba. Biên bản ghi: “Việc nhập khẩu và nhập cảnh cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, hay cua vào thị trường Mỹ, bao gồm nhập khẩu cho các đơn vị thương mại nước ngoài nằm trong lãnh thổ Mỹ, cũng bị cấm; ngoại trừ quy định pháp lý khác, hoặc được cấp phép, hoặc được ủy quyền bởi OFAC”.
Khai thác cá hồi tại Nga
Trên thực tế, EO 14068 nghiêm cấm nhập khẩu thủy sản Nga đã được Tổng thống Biden ký vào tháng 3/2022, có hiệu lực cuối tháng 6/2023. Lệnh cấm này như một lời đáp trả của Mỹ đối với hành động Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, có một lỗ hổng lớn trong lệnh cấm này khiến thủy sản Nga vẫn được nghiễm nhiên “bước chân” vào thị trường Mỹ bấy lâu nay. Đó là việc các nguồn cung thủy sản của Mỹ (như Trung Quốc) đã sử dụng thủy sản Nga làm nguyên liệu chế biến; sau đó các thành phẩm này được xuất khẩu chính thống sang Mỹ. Do đó, các nhà lập pháp cho rằng sắc lệnh mở rộng này sẽ chấm dứt hoàn toàn lỗ hổng của EO 14068.
Quyết định của Tổng thống Biden đã làm thỏa lòng mong ước của các nhà lập pháp nước Mỹ. Trước đó ngày 14/12/2023, một nhóm 38 người là thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ (24 thuộc đảng Dân chủ và 14 thuộc đảng Cộng hòa) đã gửi thư tới văn phòng Tổng thống, yêu cầu mở rộng các biện pháp trừng phạt.
Trong thư không đề cập khối lượng thủy sản Nga đang được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, nhưng nêu rõ thủy sản Nga vào Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2023 đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, và gấp đôi năm 2021. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế, trong năm 2022, Mỹ chi 300 triệu USD nhập khẩu cá hồi và cá minh thái từ Trung Quốc, một số được khai thác ở Mỹ và bán sang Trung Quốc để chế biến, sau đó tái xuất về Mỹ, nhưng đa phần là nguyên liệu có nguồn gốc từ Nga.
Các nhà lập pháp hy vọng hành động này sẽ giáng một đòn mạnh để Nga chấm dứt cuộc chiến với Ukraina. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt sẽ tạo tiền đề cho các hành động trong tương lai của nhóm G7, nhằm thuyết phục các quốc gia tham gia và/hoặc mở rộng lệnh cấm thủy sản Nga.
>> Trước đó, Nga là nguồn cung thủy sản lớn thứ tám của Mỹ, với 48.867 tấn (trị giá 1,2 tỷ USD) được xuất cảng năm 2021, tăng 34% về giá trị so với năm 2020. Danh mục thủy sản Nga xuất sang Mỹ năm 2021 gồm 80 sản phẩm, trong đó chủ lực là cua tuyết đông lạnh (18.799 tấn, trị giá 509,2 triệu USD) và cua huỳnh đế đỏ đông lạnh (8.486 tấn, 419,7 triệu USD). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Mỹ nhập khẩu tổng cộng 23.141 thủy sản từ Nga, trị giá 915,4 triệu USD, tăng 10% về khối lượng và 86% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, Mỹ nhập khẩu một lượng lớn thủy sản bao gồm cá minh thái Alaska, cá hồi tự nhiên và cá tuyết từ nhiều quốc gia khác. Những quốc gia này sử dụng thủy sản Nga làm nguyên liệu, trong đó có Trung Quốc.
An Vy
(Theo Undercurrentnews)