(TSVN) – Hiện, giá sản phẩm thủy sản vẫn chưa có nhiều cải thiện, lợi nhuận sản xuất không nhiều, người dân có tâm lý “treo ao” chờ tín hiệu của thị trường; điều này dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch tăng trưởng năm 2023. Trước thực trạng này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản những tháng cuối năm.
Số liệu của Cục Thủy sản chia sẻ tại Hội nghị “Bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới” do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Cần Thơ ngày 9/9 cho thấy, diện tích thả nuôi trong 8 tháng: Tôm nước lợ 715.000 ha, tăng 0,9% so cùng kỳ năm 2022 (tôm sú 645.000 ha, tăng 3,9% và tôm thẻ chân trắng 70.000 ha bằng 70,5% cùng kỳ). Sản lượng đã thu hoạch tôm 657.500 tấn, tăng 3,9% so cùng kỳ, đạt 63,9% kế hoạch (tôm sú 176.100 tấn, tăng 1,2% và tôm thẻ chân trắng 481.400 tấn, tăng 4,9%). Về cá tra, diện tích ước đạt 3.860 ha, tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước; sản lượng thu hoạch 1.079.000 tấn, tăng 0,2%.
Ngành thủy sản, từ khâu quản lý nuôi trồng và chế biến phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường. Ảnh: Huy Hùng
Phân tích của Cục Thủy sản cho biết, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước khác. Cụ thể: tôm thẻ chân trắng loại 50 con/ kg của Việt Nam giá thành nuôi tối thiểu là 4 USD, khoảng 90.000 đồng; cao hơn của Ấn Độ 1 USD là khoảng 22.000 đồng, hơn Ecuador 1,5 USD là khoảng 33.000 đồng.
Nguyên nhân do chi phí thức ăn nuôi tôm chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ; nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ với chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện lưới. Các cơ sở nuôi nhỏ lẻ thường thiếu vốn sản xuất, phải mua chịu vật tư đầu vào, lãi suất cao (So sánh trên cùng diện tích ao nuôi, kích cỡ tôm thu hoạch và cùng sử dụng thức ăn, thuốc như nhau thì chi phí đầu vào của người nông dân cao hơn khi qua đại lý khoảng 29.500 đồng/kg và 1 vụ nuôi 1.000 kg thì người nông dân mất phần lợi nhuận là 29.500.000 đồng).
Giá thu mua tôm nguyên liệu tùy theo kích cỡ và loại tôm thu hoạch tại ao, tôm thẻ chân trắng dao động từ 76.000 – 115.000 đồng/kg, tương ứng cỡ tôm 100 đến 40 con/kg. Trong khi chỉ tính riêng chi phí thức ăn nuôi tôm đã dao động từ 67.000 – 82.000 đồng/kg, chưa kể các chi phí khác. Với giá bán nguyên liệu như hiện nay người nuôi tôm chưa có lãi, thậm chí lỗ.
Về cá tra, giá thu nguyên liệu loại một trung bình 8 tháng đầu năm 2023 dao động ở mức 27.900 – 28.000 đồng/kg, thấp hơn 1.500 – 2.000 đồng/kg so cùng kỳ năm 2022. Với giá này, người nuôi hiện không có lãi.
Thông tin tại Hội nghị cho thấy khó khăn lớn nhất trong nuôi tôm là vấn đề tôm giống. Tôm bố mẹ phụ thuộc nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong nước mới cung cấp được một phần nên chưa chủ động được sản xuất. Còn khoảng 40% cơ sở giống chưa được kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống theo quy định của Luật Thủy sản nhưng vẫn được cấp chứng nhận kiểm dịch, ẩn chứa nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh. Một số cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh được giao nhiệm vụ quản lý nuôi trồng thủy sản nhưng không nắm được số lượng giống kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ.
Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo: Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản chủ yếu dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, không phù hợp yêu cầu kỹ thuật. Nguồn nước dễ bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp. Công nghệ vùng nuôi tôm quảng canh chưa phù hợp, năng suất thấp, hiệu quả sản xuất chưa cao nên diện tích lớn nhưng sản lượng và giá trị không cao.
Công tác xác nhận đăng ký nuôi và cấp mã số cơ sở nuôi tôm, cá tra chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng hợp báo cáo của 46/63 tỉnh: Đã rà soát 42.697/378.861 cơ sở (11,3% tổng số), trong đó có 11.744 cơ sở (chiếm 27,5% số rà soát) không đủ điều kiện cấp mã số (gồm 11.728 cơ sở nuôi tôm nước lợ,11cơ sở nuôi cá tra và 5 cơ sở nuôi lồng bè). Số cơ sở được cấp giấy xác nhận đăng ký là 30.953/378.861 (chiếm 8,17% số rà soát), trong đó có 29.607 cơ sở nuôi tôm nước lợ và 956 cơ sở nuôi cá tra.
Như thế, tính chung đến nay mới có 8,2% cơ sở nuôi tôm nước lợ (29.607/360.762) và 86% cơ sở nuôi cá tra (956/1.112) được cấp mã số. Về diện tích thì cá tra cũng đã có 93,2% tổng diện tích nuôi được cấp giấy xác nhận đăng ký nuôi. Về nuôi tôm nước lợ, địa phương cấp Giấy chứng nhận đăng ký được nhiều nhất là Kiên Giang cũng mới đạt 58,2% (20.329/34.937 cơ sở).
Sau tin Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, người tiêu dùng Nhật Bản sẽ thận trọng với thủy sản nội địa, các thị trường khác cũng cân nhắc việc nhập thủy sản của Nhật Bản và đặc biệt là Trung Quốc đã cấm. Như thế, cơ cấu xuất, nhập khẩu thủy sản trên thị trường thế giới có sự thay đổi, đây là cơ hội cho thủy sản Việt Nam. Các hiệp định FTA Việt Nam đã ký phát huy lợi thế về thuế. Gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng của Chính phủ sẽ tiếp thêm nội lực cho doanh nghiệp.
So với kế hoạch cả năm 2023, các tháng cuối năm, ngành thủy sản cần đạt được 372.500 tấn tôm các loại và 540.000 tấn cá tra để đáp ứng nguyên liệu cho xuất khẩu nắm bắt cơ hội mới. Các giải pháp đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu là tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh, nâng cao hiệu quả nuôi. Tăng cường quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi giá trị. Đặc biệt là thực hiện các giải pháp hạ giá thành nuôi thủy sản. Áp dụng kỹ thuật tiên tiến ở tất cả các khâu trong quy trình nuôi để tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR). Tổ chức liên kết sản xuất để giảm khâu trung gian, đảm bảo vật tư đầu vào đến người nuôi nhanh, có giá hợp lý, giảm chi phí sản xuất.
>> Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Cần có các giải pháp căn cơ về tổ chức sản xuất, quản lý chặt chẽ yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành để tăng tính cạnh tranh về giá và đảm bảo ATTP. Để hạ giá thành nuôi thủy sản đạt kết quả, Bộ NN&PTNT đang giao cho một cơ quan nghiên cứu đến cuối tháng này hoàn thành báo cáo về cơ cấu giá thành các sản phẩm chủ lực, phân tích có thể giảm khâu nào và giải pháp cụ thể. Từ đó, sẽ triển khai đồng bộ thực hiện, nhằm đạt cho được yêu cầu mà không nói chung chung nữa”.
Sáu Nghệ
ÔNG TRẦN ĐÌNH LUÂN, CỤC TRƯỞNG CỤC THỦY SẢN
Các địa phương hiện nay vẫn còn chậm thúc đẩy nuôi biển. Bởi, cái khó đó là nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn còn ngại tiếp nhận cái mới, ngại thay đổi chuyển giao khoa học công nghệ. Do đó, phải làm sao để thay đổi cách tiếp cận, giúp người dân chủ động đổi mới hơn. Ngoài ra, mùa mưa lũ tại miền Trung và miền Nam đang tới gần, cần bám sát tình hình thời tiết, môi trường để sớm có những cảnh báo kịp thời, giúp người nuôi chủ động chuẩn bị mùa vụ cho phù hợp.
ÔNG LÊ THANH HÒA, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CHẤT LƯỢNG, CHẾ BIẾN VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG
Để nâng cao giá trị sản phẩm phải quản lý an toàn thực phẩm cả chuỗi giá trị, từ nuôi trồng qua thu hoạch, vận chuyển và chế biến đến tiêu thụ. Chẳng hạn trong công đoạn vận chuyển, thị trường Mỹ yêu cầu kiểm soát đối với tàu/ghe vận chuyển cá tra từ bề mặt đến dụng cụ trong cả quá trình vận chuyển. Công đoạn chế biến yêu cầu duy trì điều kiện vệ sinh nhà xưởng, trang thiết bị theo quy trình chặt chẽ, không được lạm dụng phụ gia. Số cơ sở chế biến tự xây dựng chuỗi sản xuất, vận chuyển, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm chưa nhiều và cần khắc phục nhanh.
ÔNG NGUYỄN NGỌC TIẾN, TRƯỞNG PHÒNG THÚ Y THỦY SẢN
Đang có một số địa phương chỉ bố trí kinh phí để xử lý dịch bệnh thủy sản khi có ổ dịch xảy ra, chưa đúng với tinh thần “phòng bệnh là chính” theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Số lượng kinh phí cho công tác này rất ít, chỉ khoảng 8,34% trong tổng kinh phí cấp cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung. Những hạn chế này cần khắc phục để công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản đạt kết quả cao hơn.
>> Trong báo cáo về tình hình sản xuất tôm, cá tra 8 tháng đầu năm và giải pháp phát triển sản xuất, Cục Thủy sản đã đưa ra một số nhóm giải pháp chính.
- Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu: Nắm tình hình về khả năng sản xuất cung ứng (địa phương, cơ sở nuôi); Nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu; Quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh: dự báo sớm, giảm thiệt hại; Duy trì ổn định nuôi đối tượng chủ lực (tôm sú: tôm - lúa, tôm - rừng, sinh thái, chứng nhận; tôm thẻ chân trắng: thả bổ sung diện tích đủ điều kiện, nuôi qua đông, nuôi kiểm soát điều kiện...; cá tra: quản lý điều kiện nuôi, an toàn thự cphamar, chất lượng theo chuỗi).
- Hạ giá thành trong nuôi trồng thủy sản: Cải tiến công nghệ, kỹ thuật nuôi nhằm nâng tỷ lệ sống, giảm FCR; Tổ chức liên kết sản xuất, giảm khâu trung gian; Khuyến khích ứng dụng nuôi có chứng nhận chất lượng (ASC, BAP, hữu cơ).
- Quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Quản lý điều kiện cơ sở sản xuất ương dưỡng giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường, đăng ký cơ sở nuôi (đăng ký nuôi trồng thủy sản, cấp giấy chứng nhận, mã số); Quản lý an toàn thực phẩm (sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm), truy xuất nguồn gốc nuôi trồng thủy sản.
- Quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư: Thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở nuôi, sản xuất kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường; Chuẩn bị sản xuất đủ giống, nâng cao chất lượng giống tôm, cá tra; Tổ chức hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, liên kết theo chuỗi giá trị; Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường.
H.C