Ngày 18/2 tại An Giang, Bộ NN&PTNT kết hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị “Triển khai phát triển ngành hàng cá tra năm 2019”. Hội nghị với sự tham dự đông đảo của các ngư dân, lãnh đạo 10 tỉnh, thành có nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp, nhà khoa học đến từ các viện, trường…
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì hội nghị
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, ngành hàng cá tra đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Diện tích nuôi đạt 5.400 ha (tăng 3,25% so với năm 2017), sản lượng đạt 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%). Giá cá giống, giá cá nguyên liệu, giá xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao. Người sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi, chế biến, xuất đều có lãi. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Chế biến xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL
Với chiều hướng thuận lợi này, ngành đề ra mục tiêu xuất khẩu cá tra năm 2019 khoảng 2,4 tỷ USD. Để đạt được kim ngạch này, ngành chức năng, doanh nghiệp, HTX, người nuôi… cần phải nỗ lực hơn nữa; đối với người nuôi và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, thông minh.
Giá cá tra đang tăng cao người nuôi rất phấn khởi
Đánh giá kết quả năm qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng con cá tra là ngành hàng có sự đột phá lớn, dành thắng lợi trọn vẹn: từ vùng nuôi, thu mua chế biến và xuất khẩu, chất lượng được nâng lên, thị trường đầu ra mở rộng; không chỉ những người tham gia chuỗi giá trị cá tra trong nước có niềm vui lớn mà cả đối tác phân phối mặt hàng cá tra trên thế giới cũng phấn khởi. Bộ trưởng chỉ đạo, để ngành hàng cá tra phát triển ngày càng ổn định và bền vững, cần phải đầu tư nguồn lực để củng cố vững chắc các kết quả đã đạt được, tập trung đột phá vào các khâu chủ chốt như chất lượng con giống, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, chế biến và giữ vững thị trường. Từng bước xây dựng ngành hàng cá tra trở thành lợi thế của Việt Nam, với việc phân chia hợp lý lợi nhuận, từ người nuôi, đến doanh nghiệp chế biến và phân phối ngành hàng…