Năm 2021, cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đây là kế hoạch mà ngành thủy sản đặt ra cho năm tới tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 diễn ra chiều 26/12 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tham dự và chủ trì Hội nghị.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở ĐBSCL khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp hạn chế thu mua khiến lượng cá tồn trong dân khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương…) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng. 

Thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không thuận lợi cho hoạt động khai thác khi liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung. Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu Việt Nam…

Tuy nhiên, sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Ảnh minh hoạ

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nhấn mạnh, năm 2020 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản lại phát triển khá tốt. Bằng chứng là không có doanh nghiệp nào phá sản, trái lại nhiều doanh nghiệp được thành lập mới và khoảng 20 doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất khẩu. Cơ hội của ngành thủy sản còn rất lớn, bởi những thuận lợi từ các thị trường, nhất là tại thị trường Trung Quốc khi nhiều loài thủy sản được nước này cho phép nhập khẩu. 

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, đầu năm xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, những tháng cuối năm tình hình thay đổi rất tích cực, riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, cao nhất trong các tháng của ít nhất 5 năm trở lại đây. Hai tháng cuối năm, thủy sản Việt Nam không thiếu khách hàng, mà doanh nghiệp gặp khó trong khâu vận chuyển do thiếu container và giá cước tăng cao đột biến. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản của chúng ta giảm khoảng 200 triệu USD so với dự kiến. Bộ Công thương dự báo khó khăn về vận chuyển có thể kéo dài đến hết tháng 6, nhưng chúng tôi hy vọng hết quý I tình hình sẽ hanh thông.

Nhận định chung về toàn ngành năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, 2020 là năm khó khăn của ngành thủy sản về mọi mặt, nhưng chúng ta đã thu được những kết quả hết sức thuận lợi, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu cao, nhất là khi hàng loạt Hiệp định đã đi vào thực thi, điển hình như EVFTA, CPTPP…

Trên đà của năm 2020, năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, bằng 93,6%; sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, bằng 107,4%. Các sản phẩm quốc gia: cá tra 1,5 triệu tấn, tôm nước lợ 980 nghìn tấn (trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn, tôm khác 50 ngàn tấn). Kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, toàn ngành đã đạt được những kết quả tốt, nhưng cần làm tốt hơn nữa về mọi lĩnh vực, có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị. Đặc biệt, cần quan tâm và tăng cường đầu tư lại hệ thống các cảng cá, quản lý tốt ngư dân để sớm giải quyết dứt điểm thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!