Năm an toàn vệ sinh thực phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

“Năm 2015 sẽ là năm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nói tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2015. Và ông nhấn mạnh: “Công tác đảm bảo ATVSTP được đặt lên hàng đầu trong các nhiệm vụ cần ưu tiên”.

Ngành thủy sản đã đạt sản lượng lớn, kim ngạch xuất khẩu cao; nhưng một trong những điểm yếu nhất cũng bộc lộ ngày càng rõ là vấn đề ATVSTP. Mới đây, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản cảnh báo vi phạm quy định ATVSTP về dư lượng hóa chất, kháng sinh với 19 lô hàng của 16 doanh nghiệp (một doanh nghiệp bị phát hiện kháng sinh 4 lô hàng). Trong đó, các lô hàng tôm chiếm đến 79%; còn lại là cá rô phi, ruốc khô, bánh mỳ và hải sản.

Thị trường EU 2014 cũng đã cảnh báo hàng chục lô hàng thủy sản nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép. Tháng 10/2014, Tổng vụ sức khỏe và Người tiêu dùng (SK&NTD) của Ủy ban châu Âu cho biết đã phát hiện 11 lô cá tra dư lượng kháng sinh cấm. Hầu hết các lô hàng này của 4 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra lớn: Hùng Vương, Gò Đàng, Mê Kông, Bình An. Tháng 12/2014, Tổng vụ SK&NTD lại thông báo phát hiện dư lượng kháng sinh trong thủy sản Việt Nam; lần này có nhiều loại thủy sản (tôm, cá tra, cá bống, cá trê vàng, lươn…).

NAFIQAD đã phải yêu cầu 19 doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản có các lô hàng xuất khẩu vào EU bị cảnh báo không ATVSTP, phải nghiêm túc điều tra, xác định nguyên nhân và khắc phục. Nếu không giải quyết nghiêm túc, thủy sản nước ta sẽ bị cấm cửa vào EU và nhiều thị trường lớn khác. Thủy sản cũng như mọi loại thực phẩm dành cho con người, phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, không chấp nhận bất cứ lý do gì cho sự kém an toàn, kém chất lượng và các thị trường chống lại sự kém an toàn là hoàn toàn hợp lý.

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khuyến cáo: “Để không tự đánh mất cơ hội của chính mình, đồng thời muốn nâng cao uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, không còn cách nào khác, chúng ta phải tự thay đổi mình, chuyển dần từ sản xuất chạy theo số lượng sang chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm”. 

Ngành thủy sản đã lớn mạnh, không thể sản xuất như trước nay nữa. Các chuyên gia đã chỉ rõ, phải có chiến lược tái cơ cấu ngành thủy sản từ giống, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt với những mặt hàng thủy sản chiến lược như tôm, cá tra không thể loay hoay kéo dài tình trạng tranh cãi “nâng cao chất lượng hay không”. Cá tra phải thoát khỏi “cục nước đá”.

Hiện cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng mối liên kết dọc, tạo chuỗi sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ở tỉnh Cà Mau với con tôm, Công ty TNHH Hùng Cá ở Đồng Tháp và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An ở tỉnh An Giang…, đã xây dựng chuỗi liên kết dọc, mở hướng bền vững cho tương lai.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!